Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 14/3/2012 21:26'(GMT+7)

Cần xây dựng cơ chế thẩm định tác phẩm văn học nghệ thuật

Phản cảm hay không phản cảm? Tiêu chí nào để đánh giá?

Phản cảm hay không phản cảm? Tiêu chí nào để đánh giá?

Với mục tiêu đặt ra 50% phim Việt được phát sóng vào giờ vàng là động lực thúc đẩy các nhà làm phim trong nước tích cực sản xuất; tạo ra sự đa dạng trong các dòng phim của nhiều hãng, nhiều đài khác nhau, phim truyền hình có nội dung hay sẽ được các đài mua và phát sóng. Đấy cũng là tín hiệu tích cực cho công tác sản xuất, cùng với số lượng tăng trưởng phim truyền hình cũng đã có những tác phẩm tốt đoạt giải thưởng cao tại các giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam và Liên hoan truyền hình toàn quốc; những bộ phim tiêu biểu để lại ấn tượng đẹp, thú vị trong tình cảm tiếp nhận của khán giả màn ảnh nhỏ.


Tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng thì chất lượng của phim truyền hình Việt Nam lại không tỷ lệ thuận với số lượng được sản xuất gần đây. Đó là chưa kể đến một số bộ phim bị khán giả chỉ trích khá gay gắt hoặc vì một sự cố nào đó buộc nhà đài phải tạm dừng việc phát sóng. Điển hình là những phim bị dư luận phản ánh như: Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Nợ đa tình…đây là những bộ phim bị dư luận “ném đá” không ngớt.

Giờ vàng trên sóng truyền hình là giờ đẹp nhất bởi lượng khán giả vô cùng lớn ngồi trước máy thu hình. Vì thế, chỉ cần chất lượng phim không đảm bảo, nội dung phim không đắt, diễn viên không đạt y như rằng ngày hôm sau báo chí, các trang blog đã râm ran bàn luận, bình phẩm, "ném đá" không thương tiếc. Có vô số lý do để bào chữa cho chất lượng phim truyền hình như: kinh phí hạn hẹp, kịch bản không hay, diễn viên tồi; trang phục và đạo cụ tuỳ tiện…nhưng, nếu nhìn một cách tổng thể, khâu quan trọng nhất để cho những tác phẩm chưa hiệu quả này lên sóng chính là khâu thẩm định tác phẩm. Đội ngũ thẩm định hầu hết chưa đủ trình độ và điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, vẫn còn thiếu trách nhiệm khi quyết định đưa tác phẩm đến với công chúng.

Vậy, làm thế nào để thẩm định tốt các tác phẩm truyền hình trước khi phát sóng, các cơ quan quản lý, các cơ quan tham mưu và bản thân các đài truyền hình phải xây dựng cơ chế thẩm định tác phẩm như thế nào nhằm hạn chế các sai sót không đáng có. Câu trả lời là rất khó, vì với 118 kênh truyền hình trong nước, 76 kênh nước ngoài cùng với thời lượng rất lớn các phim truyện Trung Quốc được phát sóng hằng ngày trên các đài truyền hình Trung ương và địa phương; việc kiểm soát nội dung các tác phẩm truyền hình là hết sức khó khăn cho nhà quản lý. Câu chuyện chỉ được giải quyết căn bản ngay từ gốc của chương trình, sự thẩm định nội dung của các đài truyền hình trước khi duyệt phát sóng. Chỉ có làm tốt khâu này, chất lượng phim mới được nâng lên trước khi đến với công chúng.

Việc thẩm định các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng là câu chuyện dài, rất khó giải quyết nếu không xây dựng các tiêu chí cụ thể. Đối với một số người, tình tiết “liếm rượu” có thể chấp nhận được vì nó lột tả sự thật trần trụi của cuộc sống, nhưng với số khác đấy là sự phảm cảm, suy đồi không chấp nhận…Vì thế, để có tiêu chí đánh giá các tác phẩm văn học nghệ thuật, nên xây dựng bộ tiêu chí.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 645/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án xây dựng chính sách thẩm định, quảng bá… đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam. Quyết định nêu rõ: tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, sức lan tỏa lớn; tiếp tục khẳng định đồng thời phát hiện thêm những giá trị mới làm phong phú đời sống văn hóa, văn nghệ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là cơ sở bước đầu để xây dựng các bộ tiêu chí nhằm thẩm định các tác phẩm văn học nghệ thuật; từ đây cũng đặt ra các mục tiêu trong việc tuyên truyền văn hoá, văn nghệ của Đảng, cùng với đó, công tác tư tưởng phải đi vào và tham gia giải quýêt những vấn đề mới nảy sinh trong công tác quản lý văn học, nghệ thuật.

Hoạt động nghệ thuật gồm nhiều yếu tố, trong đó khâu sáng tác và khâu phê bình là hết sức quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả, cần phải phát huy được vai trò thẩm định tác phẩm, hướng dẫn dư luận của văn học nghệ thuật. Đó đó, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá tác phẩm văn học nghệ thuật, đồng thời cũng cần xây dựng hệ thống lý luận về văn học nghệ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm chỉ đường, định hướng, khai thác các yếu tố tích cực của văn hoá dân tộc, thích ứng với sự cảm nhận văn hoá của người Việt Nam. Có như vậy, mới phần nào hạn chế được tiếng khen chê, bình phẩm mỗi khi có tác phẩm truyền hình được lên sóng./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất