Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, Bộ Y tế đã có khuyến cáo tới người dân các biện pháp phòng chống và xử lý dịch bệnh, nhằm ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Dự phòng đặc hiệu bằng tiêm vaccine
Biện pháp dự phòng đặc hiệu là tiêm phòng vaccine. Đây là biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, thai phụ, bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản, những người mắc các bệnh phổi mãn tính, bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn chuyển hoá mãn tính, bệnh thận mãn tính, bệnh rối loạn huyết cầu tố, bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh thần kinh mãn tính, bệnh béo phì…
Ngoài ra, phòng cúm A/H1N1 thông qua giáo dục sức khỏe về vệ sinh cá nhân và phòng lây truyền bệnh qua đường hô hấp bằng cách: Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1m; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần.
Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng.
Thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Các biện pháp xử lý dịch
Khi dịch đã bắt đầu xuất hiện cần tiếp tục thực hiện các biện pháp trên và hạn chế lây lan ra cộng đồng bằng cách thực hiện cách ly, điều trị trường hợp xác định, nghi ngờ, trường hợp khẳng định tại cơ sở y tế.
|
Chủ động phòng chống và xử lý dịch cúm. Ảnh IE |
Thời gian cách ly ít nhất là 7 ngày sau khi khởi phát. Nếu sau 7 ngày vẫn còn triệu chứng lâm sàng thì tiếp tục phải cách ly cho đến 1 ngày sau khi hết hẳn các triệu chứng.
Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách khi tiếp xúc với người khác để hạn chế lây truyền sang người chưa mắc bệnh. Đối với người tiếp xúc, cán bộ y tế tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống. Nếu có xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cúm thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Người chăm sóc bệnh nhân cúm A/H1N1 phải đeo khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh, rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người khác trong vòng 7 ngày kể từ lần tiếp xúc gần nhất với người bệnh.
Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng, và các dung dịch khử khuẩn khác.
Tại hộ gia đình, cộng đồng, trường học, xí nghiệp, công sở cần thực hiện các biện pháp phòng dịch nói trên. Đồng thời, đóng cửa trường học, công sở, xí nghiệp … do Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 của tỉnh quyết định dựa trên cơ sở tình hình dịch cụ thể của từng nơi nhằm giảm lây truyền bệnh tại cộng đồng và các ảnh hưởng xã hội và kinh tế khác.
Người bệnh nếu có ít nhất một trong các triệu chứng như: khó thở, có biểu hiện tím tái, ho có đờm đặc hoặc có máu, đau ngực, rối loạn ý thức, lơ mơ, hôn mê, sốt cao trên 38,5 độ liên tục từ 3 ngày trở lên, tụt huyết áp… phải được điều trị càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế mà không cần đợi kết quả xét nghiệm. |
Theo Lao Động