(TCTG) - Thầy thuốc là một nghề cao quí và được xã hội tôn trọng. Nhưng đây là nghề có liên quan đến sự sống - chết của bệnh nhân, nên dù ở thời nào và ở đâu, y đức của người thầy thuốc cũng luôn luôn được đề cao. Điều quan trọng nhất, là người thầy thuốc thể hiện sự tốt đẹp của y đức trong hành động, trong mỗi việc làm thấm đẫm tình người dành bệnh nhân hàng ngày.
Giữa người thầy thuốc và bệnh nhân luôn luôn có một mối quan hệ đặc biệt, mà ở đó những nguyên tắc đạo đức có một giá trị đặc biệt quan trọng. Trước khi tốt nghiệp, sinh viên nghành y phải đọc lời tuyên thệ Hippocrate. Lời thề Hippocrate có thể thay đổi đôi chút tùy theo văn hóa điạ phương và thời gian, nhưng bản chất và nguyên lí thì vẫn không thay đổi: không làm hại bệnh nhân. Lời thề Hippocrate cũng còn được lấy làm chuẩn mực đạo đức cho ngành y nói chung (hay còn gọi là “y đức”). Do đó, có thể xem y đức là một luật luân lý về hành vi của người thầy thuốc liên quan đến những gì được xem là tốt và đúng, so với những gì được xem là xấu và sai.
Khẳng định nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, trực tiếp quan hệ đến sức khỏe, đến tính mệnh của con người, trong bức thư gửi Hội nghị Quân y ngày 3-1-1948, Bác Hồ viết: “Người ta có câu: Lương y kiêm từ mẫu, nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”.
Thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ hiền- điều này đã trở thành phương châm sống của rất nhiều thế hệ thầy thuốc chân chính, xả thân vì người bệnh, vì đất nước, dân tộc. Trong đội ngũ các thầy thuốc hiện nay, có một số rất lớn những cán bộ y tế cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong những vụ dịch nguy hiểm như viêm đường hô hấp cấp SARS, dịch cúm A H5N1, có những y- bác sỹ thức trắng nhiều đêm bên giường bệnh, có những thầy thuốc quên ăn, quên ngủ với hy vọng sớm tìm ra căn nguyên của những căn bệnh quái ác, giành lại sự sống từ tay tử thần, lại có những y- bác sỹ hiến máu cứu bệnh nhân. Rất nhiều các cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, vẫn tận tụy với công việc chữa bệnh, cứu người.
Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: nền kinh tế thị trường và những tác động tiêu cực của xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của người thầy thuốc. Hiện tượng “phong bì” phổ biến tại các bệnh viện. Những tác động tiêu cực dù ít, dù nhiều cũng đã làm xói mòn đạo đức, sự vươn lên làm chủ tay nghề và việc chữa trị, chăm sóc người bệnh của người thầy thuốc.
Cũng không thể không thấy hiện tượng chảy máu chất xám xảy ra ngay chính trong ngành y. Nhiều bác sỹ được cử đi đào tạo, nâng cao trình độ, lẽ ra về với các bệnh viện cơ sở- nơi đã cử mình đi học, thì lại tìm mọi cách chạy về các khu vực có bệnh viện lớn và thu nhập tốt hơn. Tình trạng thiếu nhân lực ở tuyến dưới đã đẩy y tế tuyến trên vào tình trạng quá tải trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh.
Đó là chưa kể dư luận nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng đã từng nêu những vi phạm y đức trong giới bác sĩ dưới các hình thức như: lừa đảo, bòn rút tiền của bệnh nhân, điều trị “quá độ” (tức điều trị không cần thiết) để bắt buộc người bệnh mua thuốc với giá cao, ngầm hãm hại bệnh nhân v.v… Trong khi đó, những người bệnh nghèo chỉ biết chờ chết mà thôi.
Không thể biện minh rằng vì đồng lương còn thấp và áp lực công việc nên một số thầy thuốc có thái độ bất xứng và vô văn hóa với bệnh nhân. Cũng không có cơ sở nào để nói vì nghèo hay vì thu nhập thua kém người khác, nên người thầy thuốc phải hành xử vô giáo dục và thất đức. Danh y Lê Hữu Trác (tức Hải Thượng Lãng Ông) cho rằng: thói hống hách, lười biếng, chẩn đoán qua loa là "tội". Theo ông, thầy thuốc mà thiếu đạo đức thì chẳng khác gì “bọn cướp”.
Cái gốc của người thầy thuốc là y đức. "Lương y như từ mẫu" không phải là một khẩu hiệu, mà nó phải thấm vào trong từng suy nghĩ, hành động của người thầy thuốc, để người thầy thuốc phải coi sự đau đớn của người bệnh như sự đau đớn của chính mình. Và cũng từ cái gốc y đức, người thầy thuốc ham học hỏi, cầu tiến để rèn luyện tay nghề chữa trị; chịu khó, chịu khổ, giàu lòng bác ái, hy sinh; tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giàu nghèo; tránh được thói hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc với bệnh nhân, tránh được thói qua loa tắc trách trong phục vụ...
Từ những việc nhỏ nhất thường ngày, hành động của người thầy thuốc đều xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của họ, thì những hành động đó sẽ thấm đẫm tình yêu thương con người. Và có như thế, họ mới thực sự coi nghề Thầy Thuốc mà họ đã chọn như một con đường cứu người và giúp đời./.
- Mai Hồng -