Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 27/2/2011 10:7'(GMT+7)

Phía sau vinh quang…

Sử dụng máy chụp mạch số hóa DSA điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hữu Oai

Sử dụng máy chụp mạch số hóa DSA điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hữu Oai

Hết lòng vì người, vì nghề

Nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh từ trước đến nay vẫn luôn là mục tiêu mà các thế hệ thầy thuốc nỗ lực vươn tới. Thực tế là trong 5 năm qua, họ đã chinh phục nhiều đỉnh cao kỹ thuật như can thiệp tim mạch, ứng dụng tế bào gốc, gen trị liệu, ghép tạng, hỗ trợ sinh sản, ghép tủy...  với kết quả điều trị cao. Năm 2010, nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến đã được triển khai lần đầu tiên: Bệnh viện 103 thực hiện ca ghép tim trên người; Bệnh viện Việt - Đức ghép gan, thận từ người cho chết não; Bệnh viện Phụ sản TƯ nuôi sống trẻ nhẹ cân 500g... Nhờ những thành công này, hàng nghìn, hàng vạn người bệnh có thêm cơ hội sống.

Tại hội nghị tổng kết ngành y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, năng lực, trình độ của đội ngũ thầy thuốc nước ta không thua kém các nước phát triển. Có những ca bệnh sự sống chỉ còn trong gang tấc nhưng những chiến sĩ áo trắng vẫn chiến thắng tử thần. Trong một năm, tập thể bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống 3 bà mẹ bị suy đa phủ tạng, cả 3 lần đều được ghi nhận là "kỳ tích"  trong lịch sử ngành y thế giới. Đặc biệt là trường hợp một sản phụ sau sinh phải truyền tới 60 lít máu, các chế phẩm từ máu và mẹ con sản phụ bị nhiễm cúm A/H1N1 (cháu bé trở thành bệnh nhi nhỏ ngày tuổi nhất thế giới được các bác sĩ chỉ định sử dụng Tamiflu điều trị bệnh cúm thành công). Làm những việc lớn lao là vậy nhưng PGS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chỉ suy nghĩ đơn giản: Đó là việc cần phải làm vì nghề, vì nghiệp và vì con người.

Khó bảo vệ mình

Nhiều gia đình hạnh phúc vô bờ khi người thân vượt qua lưỡi hái của tử thần, đó là phần thưởng vô giá dành cho những chiến sĩ áo trắng. Để có được vinh quang, hạnh phúc đó, họ đã phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm từ môi trường làm việc. Hiện cả nước có hơn 200.000 cán bộ, nhân viên y tế (CBYT), trong đó, khoảng 10.800 người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân. Làm việc ở các bệnh viện, phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, CBYT luôn phải đối mặt với nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh, kể cả "tử thần" HIV/AIDS... truyền qua các bệnh phẩm, máu, đờm dãi... Kết quả khảo sát trên 77 CBYT đang trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, chưa rửa tay trong vòng 2 giờ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, hầu hết tay của các CBYT đều có vi khuẩn với số lượng trung bình là 267.378 khóm vi khuẩn, cao nhất là 4.500.000 khóm.

Theo kết quả khảo sát trong một ngày tại Bệnh viện Bạch Mai với 1.081 bệnh nhân tham gia, có 6,75% số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Đáng chú ý là nhiễm khuẩn bệnh viện ở khu vực cấp cứu, Khoa Ngoại, Khoa Sản chiếm tới 39%, chủ yếu là nhiễm khuẩn qua đường hô hấp (42%),  tiết niệu (29%) và  vết mổ (14%). Những vi khuẩn, vi sinh vật có mặt ở vết thương, dịch tiết của cơ thể bệnh nhân... rất có thể lây sang CBYT trong lúc họ làm việc. CBYT cũng có thể bị ung thư đường tiết niệu, ung thư máu do tiếp xúc với các hóa chất độc hại thuộc dung môi hữu cơ; ung thư da, ung thư xương do tác động của ion hóa tại các phòng chụp X quang. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có tới 80% số CBYT ở các khoa truyền nhiễm và 20% CBYT nói chung bị nhiễm virus viêm gan B từ người bệnh. Đó là chưa kể nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khi dịch xảy ra như SARS, cúm A/H5N1, tả... Theo kết quả điều tra của Viện Y học lao động - vệ sinh môi trường, cả nước có hơn 300 CBYT bị phơi nhiễm HIV vì bị kim, dao đâm vào tay khi điều trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, chế độ bảo hiểm rủi ro cho những CBYT này ở nước ta hiện vẫn chưa thỏa đáng.

Mỗi năm, cứ đến ngày lễ trọng của các thầy thuốc, người ta lại nói về cơ chế, chính sách, về việc cần phải có một chế độ ưu đãi thỏa đáng cho họ. Chế độ phù hợp, ưu đãi thỏa đáng cho 200.000 con người có lẽ là việc không dễ nhưng đã đến lúc phải quan tâm đến các bệnh nghề nghiệp và rủi ro trong ngành y tế để các thầy thuốc, nhất là những người hằng ngày phải tiếp xúc với những căn bệnh nguy hiểm chết người đỡ thiệt thòi, giúp họ có thêm động lực cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

(Theo HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất