Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 17/12/2013 22:50'(GMT+7)

Cần có Trung tâm bảo vệ tác quyền điện ảnh Việt Nam

Phim "Đừng đốt" được giới thiệu phim tại liên hoan phim Argentina hồi tháng 3/2013. (Ảnh: Quang Sơn/Vietnam+)

Phim "Đừng đốt" được giới thiệu phim tại liên hoan phim Argentina hồi tháng 3/2013. (Ảnh: Quang Sơn/Vietnam+)

Đây chính là trăn trở của người đứng đầu Hội Điện ảnh tại cuộc tọa đàm về một số vấn đề cơ bản trong nghị định 131 của Chính phủ với quyền và bảo vệ quyền tác giả phim điện ảnh và phim truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức vào sáng nay (17/12), tại Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bà Phạm Thị Kim Oanh, các vi phạm về bản quyền phim ở Việt Nam hiện còn nhiều là do nhận thức của công chúng một phần còn hạn chế. Bản thân những cá nhân, tổ chức khai thác sử dụng mặc dù đã biết những nghĩa vụ của mình nhưng vì vụ lợi nên vẫn cố tình vi phạm...

Đồng tình với ý kiến này, nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh bức xúc: “Không có lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật nào mà quyền tác giả bị vi phạm công khai, đương nhiên và trắng trợn như trong lĩnh vực điện ảnh.”

Chính vì vậy, việc Nghị định 131/2013/ND-CP được ban hành và đi vào thực thi từ ngày 15/12/2013 sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng vi phạm này, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ hoạt động tác quyền điện ảnh thông qua các quy định và chế tài xử phạt cụ thể.

Trong khi đó, là một chuyên gia về công tác phát hành phim trên các kênh truyền hình và các phương tiện truyền thông tại châu Âu, Giám đốc A Company của Cộng hòa liên bang Đức, ông Alexander Van Duelmen đã đưa ra một số khuyến nghị về các biện pháp giúp chống lại sự vi phạm bản quyền tác giả phim điện ảnh, phim truyền hình.

“Ngoài được bảo vệ bằng luật pháp thì bản thân những tác phẩm điện ảnh cũng phải tự mã hóa, trên bản phim cần được đánh dấu cụ thể về mặt kỹ thuật đây là phim của chủ sở hữu nào. Tất nhiên, nó sẽ đòi hỏi phải mất công, phức tạp về mặt công nghệ nhưng đó không phải là điều chúng ta không làm được."

Mặt khác, cũng theo chuyên gia này, trong những hợp đồng của nhà sản xuất với các đơn vị phát hành, các đài truyền hình sử dụng phim hoặc các đại lý hay mọi hình thức truyền tải tác phẩm khác đều phải ghi rất rõ trách nhiệm pháp lý đối với quyền tác giả của tác phẩm./.

Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Điều 30 của Nghị định này cũng quy định rõ, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đến 100 triệu đồng đối với hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình nếu chưa được phép của chủ sở hữu quyền phát sóng của tổ chức phát sóng. Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm sẽ buộc phải dỡ bỏ bản sao trái phép dưới hình thức điện tử, môi trường internet và kỹ thuật số.

Cũng theo Nghị định, hành vi phân phối tới công chúng bản sao chương trình phát sóng mà chưa được phép của chủ sở hữu sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Đối với hành vi vi phạm quyền định hình chương trình phát sóng sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng bị phạt từ 15 triệu đến 35 triệu đồng. Hành vi trích ghép bản ghi âm, ghi hình chương trình phát sóng mà chưa được phép của chủ sở hữu sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Nghị định có 4 chương, 53 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013.

Xuân Mai (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất