Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 15/12/2013 16:43'(GMT+7)

Còn lại cuối cùng là bản sắc văn hóa

Những di vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long

Những di vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long

Nước ta chịu sự ảnh hưởng và du nhập của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Trước đây chủ yếu là văn hóa phương Đông mà cụ thể là văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, gần đây là văn hóa phương Tây. Những nền văn hóa ấy được tinh lọc và tiếp thu trong  hoàn cảnh khác nhau nhưng chỉ những gì phù hợp mới tồn tại và phát triển. Nghĩa là nó đã được người Việt Nam vận dụng, tiếp thu, chọn lọc những cái mới, tiến bộ trên cơ sở bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong xu thế hội nhập hiện nay, làm thế nào để tiếp thu các giá trị văn minh nhân loại song vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa là một vấn đề không dễ dàng.

Dân tộc ta có những biểu hiện riêng tạo nên bản sắc văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống nhân văn, nhân ái đã được đúc kết qua những thành ngữ, lời ca... như: “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Uống nước nhớ nguồn”,  "Tôn sư trọng đạo”,... Bản sắc văn hóa còn được thể hiện qua những di sản văn hóa mà nhiều thế hệ đi trước để lại. Đó là những sản phẩm văn hóa có thể do thiên tạo hay nhân tạo, là vật thể hoặc phi vật thể. Dù là gì nhưng nó phải được con người cảm xúc, rung động, thưởng thức và đặt tên theo cách hiểu của văn hóa Việt Nam. Nhiều nơi trên thế giới có thể cũng có vật thể giống như núi Vọng Phu, như hòn Trống Mái, nhưng không có tên gọi như vậy...

Thế giới xung quanh ta đang vận động trong xu hướng hội nhập với sự giao lưu giữa các nền văn hóa ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay, chúng ta không thể thờ ơ với những tinh hoa của văn hóa thế giới. Bởi lẽ nếu xa rời văn minh nhân loại thì tình trạng lạc hậu, trì trệ, chậm phát triển sẽ thêm trầm trọng và nặng nề. Điện thoại di động, máy vi tính, ti vi cũng như rất nhiều những sản phẩm điện tử, công nghệ sinh học, hóa học, lý học đang tràn ngập thế giới và trở thành thiết yếu trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Bên cạnh mặt tích cực bởi lợi ích của nó cũng biểu hiện nhiều lo ngại về ảnh hưởng mặt trái. Đó cũng chính là vấn đề đặt ra để có những biện pháp trước mắt và lâu dài để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống và phát huy được các giá trị đó trong đời sống hiện đại của mỗi con người Việt.

Là một mặt của văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta với nhiều loại hình gần đây có nguy cơ đang dần bị mai một. Sở dĩ những loại hình nghệ thuật đó đã từng tồn tại lâu đời và có sức hấp dẫn mạnh mẽ vì những di sản văn hóa tinh thần đó được xây dựng trên nền tảng của nền nông nghiệp lúa nước. Ngày nay, khi công nghiệp hóa tác động mạnh mẽ vào đời sống thì các loại hình nghệ thuật đó dường như không còn khả năng hấp dẫn, cuốn hút mạnh mẽ. Thanh niên và cả những người lớn tuổi không còn mặn mà với tuồng, chèo, ca trù, chầu văn... Điều đó cũng bởi diễn tiến nghệ thuật lúc nghệ sĩ biểu diễn thường diễn ra chậm trong khi diễn tiến của cuộc sống đã có nhiều ảnh hưởng của nền kinh tế công nghiệp hiện đại trở nên gấp gáp hơn... Từ đó, nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của người Việt tần suất xuất hiện trong sinh hoạt cộng đồng cũng đang dần hiếm hoi. Đàn đá Tây Nguyên tạo được ấn tượng sâu đậm cho thính khán giả trong và ngoài nước, hiện nay chỉ có rất ít người biết sử dụng. Các nhạc cụ độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi cũng có nguy cơ mai một khi những dòng nhạc mới với các nhạc cụ điện tử hiện đại tràn vào trong đời sống âm nhạc thường ngày.

Thực tế cho thấy, nhiều người có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam đang tỏ ra quan ngại khi các yếu tố văn hóa ngoại lai có nguy cơ làm lu mờ những giá trị văn hóa truyền thống. Gần đây, trang phục và diễn xuất của nhiều ca sĩ, diễn viên trên sân khấu với những xì-tai (style) mới, lạ, độc và... thiếu vải đã tạo ra phản cảm, trở thành một vấn đề nhức nhối khiến cho một bộ phận không nhỏ khán giả quay lưng với sân khấu. Người Việt đã và đang tiếp nhận cái tinh túy, nghệ thuật đẹp đẽ của vũ ba-lê, của nhạc rock, của kịch nói, của nghệ thuật điện ảnh, nhưng nên cẩn trọng khi đem những tinh hoa đó pha trộn với các giá trị văn hóa mang bản sắc lâu đời của dân tộc.

Bên cạnh tiếp thu có chọn lọc thì vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa cũng cần phải có những tiếp biến và lựa chọn yếu tố văn hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Lễ hội là văn hóa truyền thống nhưng tình trạng ngày nay tổ chức quá nhiều lễ hội vừa tốn kém, vất vả và nguy cơ bị mê tín dị đoan hóa, đấy là chưa kể có những hiện tượng lợi dụng lễ hội cầu lợi, làm lợi cho cá nhân. Nhà văn hóa Nga Rô-man Các-men khi đến thăm Trường nữ trung học Trưng Vương Hà Nội đã kinh ngạc mà reo lên “đúng là tiên”, khi ông nhìn thấy các nữ sinh mặc áo dài. Tuy nhiên không phải lúc nào và phụ nữ nào cũng dùng áo dài đúng lúc, đúng chỗ và đẹp, tôn trọng yếu tố truyền thống của áo dài.

Giữ gìn bản sắc văn hóa còn đồng nghĩa với giữ gìn môi trường tự nhiên. Trước đây khi nói tới Tây Bắc ta nghĩ tới xứ sở của hoa ban, cũng như nói tới Tây Nguyên người ta hình dung trong đầu hình ảnh của những đuốc lửa và cồng chiêng... Giờ đây, hoa ban Tây Bắc ngày một ít, tiếng cồng chiêng của Tây Nguyên không còn được vang rền như xưa nữa. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định điều đó. Theo họ, Tây Nguyên hùng vĩ với đại ngàn xưa đã không còn. Tây Nguyên hoang sơ là cái nền tự nhiên của cồng chiêng đã thay bằng Tây Nguyên của cây công nghiệp. Tiếng cồng, chiêng chỉ âm vang khi nó được gióng lên giữa thiên nhiên hùng vĩ ấy. Nay thiên nhiên không còn thì âm vang cồng chiêng cũng hết. Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của văn hóa Việt Nam từ xa xưa là mảnh đất sinh ra tiếng sáo trúc véo von, tiếng sáo diều réo rắt. Nay những thứ đó khó tìm.

Giữ gìn bản sắc văn hóa trong xu thế hội nhập là yêu cầu vừa lâu dài vừa cấp thiết. Có lẽ, trước hết mỗi cá nhân phải nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Xã hội và nhà trường phải tăng cường giáo dục để học sinh và mọi công dân hiểu được những giá trị, những biểu hiện truyền thống văn hóa...  Bên cạnh đó, cần phải có kế hoạch và giải pháp đồng bộ về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam; có phương châm giáo dục về văn hóa một cách quy củ, hệ thống. Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã thốt lên: “Một môn học về văn hóa dân tộc với mấy chục tiết trong nhà trường chỉ là những hạt mưa, trong khi thông tin ngoài xã hội hằng ngày là những cơn lũ"...

Rõ ràng là dù trước mọi thách thức và nguy cơ, song đến cuối cùng thì mọi giá trị đi qua, cái còn lại của mỗi dân tộc chính là bản sắc văn hóa. Vì vậy, vấn đề định hướng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy hội nhập là vấn đề cần được bàn kỹ, làm ngay./

ThS. Nguyễn Công Tho
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Tây Bắc

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất