Nhiều vấn đề của lễ hội, từ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đến xử
lý vi phạm, nhất là đề xuất các giải pháp nhằm đưa công tác quản lý lễ
hội năm 2014 vào khuôn khổ, nền nếp và lành mạnh, được các đại biểu nêu
ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác quản lý lễ hội năm 2013, vừa
qua.
Hiểu đúng vai trò của nhân dân trong lễ hội
Công tác quản lý lễ hội đã từng làm nóng dư luận nhiều năm trước đây. Nhưng hội nghị tổng kết công tác quản lý lễ hội năm 2013 đã “giảm nhiệt” khi hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều ghi nhận, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm nay không còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối dư luận và đã có tiến bộ hơn so với những năm trước.
Lễ hội là tài sản phi vật thể của quốc gia, trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, hình thành trong cộng đồng. Lễ hội có vai trò to lớn giúp quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến thương mại, du lịch và có sức lan tỏa mạnh mẽ, không còn chỉ dừng lại ở hoạt động vui chơi, giải trí thuần túy như trước kia. Vì thế, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta không nên hạn chế lễ hội, cắt bớt lễ hội, do mỗi lễ hội đều có những giá trị riêng. Vấn đề là chúng ta phải hướng dẫn tổ chức và tham gia sinh hoạt lễ hội như thế nào để lễ hội không bị lãng phí, tốn kém, biến tướng, gây phản cảm và nhất là phải tìm ra các biện pháp quản lý để lễ hội thật sự trở thành hình thức sinh hoạt lành mạnh của cộng đồng, nhân dân.
Lâu nay, người ta nghe nhiều về cụm từ “lễ hội là của người dân, phải trả lễ hội về cho dân”. Nhưng qua thực tế tổ chức lễ hội tại địa phương, ông Mai Tư, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Cần phải hiểu đúng thế nào là “trả lễ hội lại cho dân”. Tổ chức một đám cưới nhỏ trong gia đình còn lúng túng, có nên trả hết lễ hội cho dân khi có những lễ hội mà số người tham gia lên tới hàng chục nghìn người không? Cách đây vài năm, Thanh Hóa thực hiện đề án “trả cho dân” Lễ hội Lam Kinh. Nhưng đến mùa lễ hội năm sau, số tiền khoảng 600 triệu đồng cho lễ hội không còn, trang phục cho lễ hội bị đem đi làm giẻ lau, trống chiêng, đạo cụ đều hư hỏng, còn khi cần người để đi tập huấn thì kẻ ở Bắc, người đã vào Nam. Thế là lãng phí số tiền của Nhà nước. Vì vậy, ông Mai Tư đề nghị: Chúng ta tổ chức lễ hội trên cơ sở tôn trọng người dân, phát huy vai trò của người dân, nhưng không phải buông xuôi, phó mặc lễ hội cho cộng đồng.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai bày tỏ: Lễ hội dân gian phải trả cho dân, nghe thì hay nhưng thực tế không như thế. Lễ hội bây giờ khác lễ hội ngày xưa. Trả lại cho dân thì dân làm sao quản lý được, phải có ban tổ chức, chính quyền tham gia, ít nhất là chính quyền cơ sở, không có vai trò của chính quyền thì không thể quản lý được. Nhưng nhà quản lý ôm hết cũng không được, vừa khó thực hiện, vừa trái quy luật. Do đó, phải có sự kết hợp giữa chính quyền và người dân, trong đó người dân là chủ thể quan trọng nhất.
Theo GS, TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cần phải hiểu rằng, trả về cho dân là trả về những tín ngưỡng nghi lễ của người dân, cách người dân làm ngày xưa phải được tôn trọng. Nhưng chúng ta cũng không thể hạ thấp vai trò quản lý Nhà nước. Trước kia là lễ hội của một làng, giờ là lễ hội của cả huyện, cả tỉnh, thậm chí cả nước, nên không thể bỏ vai trò của các cấp chính quyền. Điều quan trọng trong quản lý lễ hội là phải có sự phân cấp rõ ràng giữa quản lý ngành và quản lý của địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới.
Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, ban tổ chức lễ hội đóng vai trò quyết định thành công, thất bại của lễ hội. Quản lý, tổ chức lễ hội phải xuyên suốt từ trên xuống dưới, các cấp đều phải có trách nhiệm khi tổ chức lễ hội. Ban tổ chức phải đủ thành phần và phải có sự quản lý của chính quyền cơ sở, tránh tình trạng khi trả lễ hội cho dân, một số người tìm cách luồn lách tăng thu nhập cá nhân hay vì mục đích “lợi ích nhóm” cho thiểu số.
Cần có định hướng về quản lý lễ hội
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, lễ hội là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp tới đời sống dân cư, đặc biệt đời sống tinh thần. Đây là vấn đề vừa tâm linh, vừa khoa học. Nghiên cứu một lễ hội có thể là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, nhưng nước ta có tới 8000 lễ hội. Các lễ hội này tác động tới tình hình kinh tế-xã hội khác nhau, biến tướng khác nhau, ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hóa cũng có những chỗ không giống nhau, vì thế tổ chức lễ hội cần có tư duy sáng tạo, khoa học. Mục đích cao nhất là làm sao để lễ hội phát huy tốt nhất các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội và đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh của các tầng lớp nhân dân”.
|
Một lễ rước truyền thống tại Lễ hội Tịch điền, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Duy Ninh/QĐND). |
Từ thực tiễn quản lý lễ hội ở tỉnh Lào Cai, ông Trần Hữu Sơn cho rằng, lễ hội bây giờ không như ngày xưa nữa, do đó cần nghiên cứu sự biến đổi của lễ hội để thay đổi ứng xử với nó, các quy chế, các văn bản quy phạm pháp luật cũng phải tuân theo đặc điểm đó chứ không thể áp đặt ý kiến chủ quan. Văn bản quy phạm pháp luật cần quy định xây dựng những cái tốt hơn trên cơ sở những thứ đã làm được; đồng thời phải xác định rõ từng loại hình lễ hội. Do đó cần thay đổi một số nội dung văn bản quy phạm pháp luật, mà muốn thay đổi thì nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các loại hình lễ hội để đưa ra những cách thức tổ chức, quản lý thích hợp hơn. Khi các nhà quản lý muốn học cách quản lý lễ hội thì thiếu các công trình nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng vào thực tiễn, dù có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhưng từ nghiên cứu tổng kết thành giáo trình lại chưa có.
Ông Hữu Sơn cho biết thêm: Khi tỉnh Lào Cai muốn tổ chức lễ hội cho bài bản, cố gắng tìm kiếm thì chỉ có cuốn giáo trình tổ chức sự kiện của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Nhưng cuốn sách này thiên về hướng dẫn cách làm sao để có kinh phí tổ chức sự kiện. Mặt khác, nội dung giáo trình lại phần lớn lấy từ tài liệu, kiến thức ở các nước phương Tây, còn những vấn đề quản lý, tổ chức liên quan đến văn hóa phù hợp với điều kiện Việt Nam thì không có. “Theo tôi nên sớm có giáo trình tổ chức lễ hội và Bộ VH-TT&DL ban hành những văn bản pháp luật điều chỉnh sao cho các địa phương có những quyền tự quyết nhất định”.
GS, TS Lê Hồng Lý gợi ý: Nên chăng, với tư cách cơ quan quản lý, Bộ VH-TT&DL có những đề tài, nghiên cứu ứng dụng cụ thể với sự tham gia của các cục, sở, nhà khoa học, nhà văn hóa… để tìm ra mô hình chung. Ví dụ, từ những kinh nghiệm quản lý tốt của các lễ hội như: Bà Chúa Kho (2004), Chúa Sứ (2004-2006)... có thể đúc rút ra những vấn đề chung nhất về lý luận để các địa phương có lễ hội có thể tham khảo, học hỏi, vận dụng. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có thêm cơ sở đổi mới quản lý lễ hội, góp phần đưa công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng tốt hơn./.
Minh Nhã (QĐND)