Câu chuyện về sự lưu lạc kỳ lạ của quả chuông chùa Ngũ Hộ với sự mệnh hoà bình thế giới.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, có một
quả chuông cổ ở Việt Nam đã bị lưu lạc bên đất nước Nhật Bản. Có một vị
luật sư người Nhật, bằng tấm lòng bồ tát và ước mong nối thêm cây cầu
hòa bình cho hai nước, đã đi khắp nơi vận động tiền của để chuộc lại quả
chuông đó gửi về cho Việt Nam.
Hành trình trở về đất Mẹ
Đến bây giờ, khi được hỏi về quả chuông
cổ ấy, sư thầy chùa Ngũ Hộ và các cụ cao niên trong làng vẫn nói rằng:
“Cả thế giới có lẽ chỉ có quả chuông này có lịch sử và hành trình trở về
kỳ lạ đến thế”. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì quả chuông
cổ và hành trình kỳ lạ ấy trước đây vốn được treo ở chùa Ngũ Hộ (Xã Kim
Trân, thành phố Bắc Ninh).
Vào năm 1945, phát xít Nhật vào Bắc
Ninh, chiếm chùa làm nơi đóng quân, chúng thấy quả chuông có giá trị nên
đã mang về Nhật, bán lại vào tiệm cầm đồ. Vị luật sư người Nhật là
Watanabe, thành viên của uỷ ban Nhật Bản Điều tra tội ác của Mỹ ở Việt
Nam, đã vô tình bắt gặp quả chuông trong tiệm cầm đồ trên phố Ginza,
Tokyo và đọc được dòng chữ Hán khắc trên quả chuông: “Chuông của chùa
Ngũ Hộ, xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn. Chuông chùa bị chiến
tranh thiêu hủy, phải đúc một quả chuông khác. Tháng 2 năm 1825 chuông
mới đúc lại bị cướp mất. Năm sau, mọi người lại cùng nhau góp công, góp
của đúc quả chuông thứ ba. Sau hai năm quyên góp tiền và đồng, chuông đã
đúc xong ngày 19 tháng 12 năm Minh Mạng thứ chín (năm Mậu Tý - 1828)”.
Trên đó còn khắc tên 300 người đã cung tiến tiền của để đúc quả chuông.
Biết được quả chuông cổ này từ Việt Nam
lưu lạc sang đây, vốn rất yêu mến và kính phục nhân dân Việt Nam trong
chiến tranh mà ông đã được chứng kiến tận mắt, sau hôm đó luật sư
Watanabe đã đi khắp nơi, kêu gọi bạn bè, người thân và những người dân
Nhật Bản yêu mến Việt Nam cùng nhau quyên góp tiền để chuộc lại quả
chuông gửi về cho Việt Nam.
Họ đã lập ra “Hội hoàn hương chuông cổ”,
và chỉ sau 3 tháng, đã quyên được số tiền gần 10 triệu Yen. Còn chủ
tiệm cầm đồ, lúc đầu đưa ra giá chuộc lại quả chuông là 9 triệu Yen.
Nhưng sau đó, cảm động trước tấm lòng của vị luật sư, đã giảm xuống còn 5
triệu Yen.
|
Những dòng chữ luật sư Watanabe gửi cho sư thầy Huệ Hồng,
nội dung: "Hãy vang xa đến toàn thế giới. Chính lúc này đây, tiếng
chuông chùa Ngũ Hộ, tiếng chuông cao quý vì hòa bình"
|
Sau đó, suốt 6 tháng, từ tháng 12 –
1977, ở nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản đã diễn ra lễ cầu nguyện cho
quả chuông. Vào 6 - 1978, luật sư Watanabe cùng “Hội hoàn hương chuông
cổ” đã mang quả chuông bằng đường biển, từ Nhật sang trao trả lại cho
Việt Nam.
Lễ trao quả chuông đã diễn rất trang trọng tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Bác
Nguyễn Văn Sa, người được trực tiếp tham gia buổi lễ trao quả chuông đó
kể lại: “Lúc đó, ai cũng cảm động rơi nước mắt. Vị luật sư người Nhật
vĩ đại quá. Tôi vẫn còn gìn giữ được bức ảnh quả chuông tại buổi lễ đó
đến tận bây giờ”.
Vào những năm 1950, chùa Ngũ Hộ đã bị
quân Pháp phá đi và sau đó trường học được xây ở đây. Vì thế Hội hữu
nghị Việt Nhật và Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định
đặt quả chuông này ở chùa Bút Tháp. Nhưng vì chùa đã có chuông rồi, nên
quả chuông lại được trao lại cho Bảo tàng tỉnh Hà Bắc (Sau đó là bảo
tàng tỉnh Bắc Ninh) trông giữ và bảo quản.
Tấm lòng cô giáo người Nhật
Từ khi quả chuông được gửi về Việt Nam
luật sư Watanabe không một lần được biết về hành trình lưu lạc tiếp theo
của nó ra sao. Năm 1993, ông đã viết thư cho chị Komatsu Miyuki, một
giáo viên dạy tiếng Nhật nhiều năm ở Hà Nội, cũng là người đã tham gia
cùng “Hội hoàn hương chuông cổ”. Trong thư, luật sư có nói rằng, ước
nguyện cuối cùng của đời ông là được biết số phận quả chuông cổ bây giờ
đang ở đâu?
|
Nghi thức đánh chuông cầu nguyện vì hòa bình
|
Nhận được thư, chị Komatsu đã đi khắp
nơi dò hỏi về quả chuông. Chị đến chùa Quán Sứ thì không thấy quả chuông
đâu. Chị hỏi mọi người cũng không ai biết. Chị đi tìm khắp các bảo tàng
ở Hà Nội không thấy. Từ đó, suốt 9 năm ròng, chị Komatsu vừa dạy học,
vừa đi khắp nơi dò hỏi tung tích quả chuông cổ. Năm 2002, chị tình cờ
gặp được phó giáo sư khảo cổ học Nishimura, đại học Kansai (Osaka). Ông
đã khuyên chị nên đến Bảo tàng Bắc Ninh để tìm.
Nghe câu chuyện của chị, ông Lê Viết
Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã dẫn chị đến thăm quả chuông cổ
đang được bảo tồn nguyên vẹn tại bảo tàng này. Từ đó, hằng năm, những
người trong “Hội hoàn hương chuông cổ”, Hội hữu nghị Việt Nhật cùng các
sư thầy chùa Ngũ Hộ vẫn tổ chức Lễ cầu nguyện vì hòa bình dưới chuông
chùa Ngũ Hộ ở bảo tàng Bắc Ninh.
Năm 2012, luật sư Watanabe dù đã tuổi cao sức yếu, phải ngồi xe lăn,
nhưng vẫn cùng đoàn sang dự lễ cầu nguyện vì hòa bình dưới chuông chùa
Ngũ Hộ. Ông còn mang lọ tro cốt của vợ mình đến nhờ thầy Thích Huệ Hồng
siêu độ và để lại chùa để sư thầy nhang khói.
Năm nay, vì điều kiện sức khỏe không cho
phép nên luật sư Watanabe không sang tham dự lễ cầu nguyện vì hòa bình
dưới chuông chùa Ngũ Hộ được. Ông đã gửi thư đến buổi lễ với những dòng
cảm động: “Quả chuông này có sức sống mãnh liệt. Quả chuông chùa Ngũ Hộ
sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Quả chuông sẽ có vai trò kêu gọi nên
hòa bình mãi mãi cho Việt Nam, cho Nhật Bản, cho thế giới. Mỗi tiếng
chuông ngân vang là một lời cầu nguyện nền hòa bĩnh mãi mãi cho thế
giới chúng ta.”
Được biết, sư thầy Huệ Hồng và nhân dân
quanh chùa muốn xin bảo tàng đón quả chuông về chùa. Nhưng vì điều kiện
bảo quản quả chuông ở chùa chưa đảm bảo, nhất là tình trạng mất cắp cổ
vật đang xảy ra hiện nay, nên hiện quả chuông này vẫn được lưu giữ tại
bảo tàng tỉnh Bắc Ninh./.
Vũ Viết Tuân/VOV