Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 16/12/2013 17:2'(GMT+7)

Dạy gì cho trẻ lên ba?

Bé làm đồ chơi truyền thống.

Bé làm đồ chơi truyền thống.

Hỏi thế là bởi, hơn chục năm về trước, đi nhà trẻ, mỗi khi mẹ đón về lại líu lô hát cho mẹ nghe: “… Cháu lên ba, cháu  đi mẫu giáo, cô thương cháu vì cháu không khóc nhè…”. Nhưng bây giờ, nhiều trẻ lên ba không hát vậy. Chúng hát: “… rằng… anh yêu em… ế ồ… ồ ế ô…”!

Dẫu biết rằng, sự hồn nhiên của con trẻ không có gì đáng trách. Nhưng có lẽ câu chuyện ấy không còn là chuyện của riêng một đứa trẻ lên ba. Phải chăng “nhận thức văn hóa” (xin để cụm từ này trong ngoặc kép) của thế hệ măng non như vậy đã là đáng báo động? Vẫn biết, quy chụp cho trẻ bốn chữ “nhận thức văn hóa” là điều quá to tát. Thế nhưng, ngay từ việc nhỏ nhặt ấy, chúng ta thấy một sự thật đáng buồn và lo ngại về vấn đề kế thừa, tiếp biến và chuyển giao những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hẳn là có lý khi nhiều người tỏ ra lo lắng cho thực trạng một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay đang dần xa rời các giá trị văn hóa truyền thống. Điều đó có đáng trách? Xin thưa là có! Song đáng trách hơn lại là chính người lớn, khi đã vô tình dần lãng quên việc tạo ra môi trường sống, môi trường giáo dục mà tựu trung lại, đó là “môi trường văn hóa” cho mỗi đứa trẻ ngay từ khi chúng bắt đầu tiếp xúc với cuộc sống. Hay nói đúng hơn, với những gì mà xã hội, mà ngành giáo dục đang làm dường như chưa đủ “liều lượng” để góp phần chung tay góp sức bồi dưỡng nên những thế hệ kế thừa để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong văn hóa, con người là chủ thể. Con người tạo ra và bồi đắp thêm các giá trị văn hóa, ngược lại, con người chịu ảnh hưởng chính từ môi trường văn hóa đó. Nói một cách nôm na thì văn hóa được tạo nên, được gìn giữ phát huy, phát triển cũng được quyết định ở chính chủ thể là con người. Vì thế, phát huy giá trị văn hóa dân tộc phải bắt đầu từ vấn đề con người, vấn đề giáo dục con người trong môi trường văn hóa để tạo nên những thế hệ kế thừa, gìn giữ và phát huy giá trị. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ việc giáo dục thế hệ trẻ.

Văn hóa là nội dung, là mục tiêu của giáo dục, đồng thời giáo dục là một thành tố quyết định sự tồn tại và phát triển của văn hóa. Mà đối tượng của giáo dục cũng chính là con người. Vì vậy, sẽ là đúng đắn khi coi giáo dục con người là con đường căn bản nhất để gìn giữ và phát triển văn hóa. Tuy nhiên cần phải nói rõ rằng, dạy học trong nhà trường chỉ là một phương thức, một phần của giáo dục mà thôi. Giáo dục cho trẻ là tổng thể các hoạt động dạy dỗ và nuôi dưỡng từ gia đình, đến nhà trường và cả môi trường văn hóa xã hội tác động đến nhận thức, tâm lý, trí tuệ và nhân cách của trẻ.

Tuổi lên ba là tuổi trẻ em bắt đầu đến lớp, bắt đầu làm quen và mở rộng “cửa sổ tâm hồn” ngây thơ, trong sáng nhất để đón nhận những giá trị văn hóa mới bên ngoài xã hội. Đồng nghĩa với điều đó, trẻ cần được đặt trong môi trường văn hóa, môi trường giáo dục thực sự tốt mới có thể phát triển toàn diện. Dạy gì cho một đứa trẻ lên ba để có được những thế hệ làm chủ nền văn hóa, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa là điều mà chúng ta cần trăn trở. Đồng nghĩa với đó phải bắt đầu tạo ra môi trường sống, đặc biệt là môi trường giáo dục (về bản chất đó chính là “môi trường văn hóa”) mà nơi ấy, những đứa trẻ lên ba sẽ được nuôi dưỡng lớn lên về cả tâm hồn, tri thức và nhân cách.

Bắt đầu đến lớp, trẻ đã trở thành “sản phẩm” sự kỳ vọng của cha mẹ. Mốt là phải đua nhau cho con học ở trường mẫu giáo quốc tế, con phải được bi bô “ây”, “bi”, “xi” thay cho đánh vần quốc ngữ a, bê, xê; phải hát những bài hát tiếng Anh thay cho những khúc dân ca, những bài đồng dao truyền thống… Xin các vị hãy dừng lại những đòi hỏi, kỳ vọng con mình là thần đồng toán học, là siêu sao mang tầm quốc tế! Những vĩ nhân đều trưởng thành bắt đầu từ câu hát dân ca của mẹ, từ những khúc đồng dao của đồng đất quê nhà./.

Trần Duy Văn (QĐND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất