Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần nhìn thẳng vào vai trò của giáo dục Việt Nam, phải đổi mới và đi trước một bước. Do vậy, cần gỡ bỏ mọi rào cản trong việc thực hiện giáo dục mở; tập trung xây dựng hệ thống học liệu mở, trước hết là trong các trường đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”, đã diễn ra ngày 16/5, tại Hà Nội, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các chuyên gia, nhà quản lý và nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Hội thảo do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Vì Giáo dục mọi người Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Hội thảo đã nhận được 125 bài tham luận khoa học của hàng trăm nhà giáo dục, nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế xoay quanh 6 nhóm vấn đề: Khái niệm giáo dục mở; Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục mở; Tài nguyên giáo dục mở; Hệ thống giáo dục mở; Giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập; Các vấn đề khác có liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về hệ thống giáo dục mở nhưng không phải là hoạt động đầu tiên để xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở. Tại hội thảo này, các nhà khoa học đã trao đổi quan điểm ở nhiều góc độ khác nhau từ triết lý, khái niệm, đánh giá tình hình và đưa ra định hướng phát triển giáo dục mở ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những vấn đề mang tính khoa học về triết lý, khái niệm giáo dục mở và những vấn đề có liên quan. Bởi giáo dục mở đã có từ lâu tại Việt Nam, ngay từ khi đất nước mới giành độc lập, phong trào “Bình dân học vụ” cũng là hình thức học tập theo hướng mở. Hai Viện Đại học Mở cũng được hình thành từ khá sớm. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 xác định rõ việc chuyển dần hệ thống giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở. Hiện nay, cùng với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập hoàn toàn theo hướng mở. Bên cạnh đó là hàng loạt đề án, khung chương trình tiếp cận theo hướng mở như đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, hệ tri thức Việt số hóa…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần nhìn thẳng vào vai trò của giáo dục Việt Nam, phải đổi mới và đi trước một bước. Do vậy, cần gỡ bỏ mọi rào cản trong việc thực hiện giáo dục mở; tập trung xây dựng hệ thống học liệu mở, trước hết là trong các trường đại học. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là trong giáo dục, phục vụ giáo dục gián tiếp, học trên điện thoại thông minh, internet. Đặc biệt, hướng tới giáo dục mở trong toàn xã hội, từng người dân đều phải học. Việt Nam không chỉ tập trung vào việc sửa đổi chính sách để tháo gỡ rào cản mà quan trọng hơn là cần thay đổi nhận thức của xã hội về việc học tập suốt đời, học không chỉ để lấy bằng cấp mà học để biết, để làm việc tốt hơn, để chung sống tốt hơn và để sáng tạo ra tri thức, đóng góp cho xã hội.
Giáo sư, tiến sỹ Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chia sẻ chủ đề của hội thảo lần này khá rộng, có những vấn đề mang tính học thuật, có những vấn đề mang tính thực tiễn, tính dự báo, có những vấn đề mang tính thời sự cấp bách. Giáo dục mở tại Việt Nam đã có lịch sử tồn tại khá lâu, tốc độ phát triển không quá chậm so với các nước trên thế giới. Hiện nay, giáo dục mở chính là giải pháp để khắc phục và giải quyết dứt điểm những yếu kém, cản trở mà nền giáo dục Việt Nam đã vấp phải bấy lâu nay. Tuy nhiên, hệ thống-tư duy về giáo dục mở hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Theo giáo sư, tiến sỹ Trần Hồng Quân, hệ thống giáo dục mở không phải là một hệ thống khác, xuất hiện như bổ sung, đứng cạnh giáo dục truyền thống mà phải thâm nhập, thẩm thấu vào nền giáo dục truyền thống. Tất cả các giải pháp của nền giáo dục mở tạo ra cơ hội để mọi người được tiếp cận rộng rãi với giáo dục. Người học có thể lựa chọn phương thức học thích hợp với điều kiện cá nhân, từ mục tiêu đào tạo, chương trình, lựa chọn trường học, thời gian học liên tục hay gián đoạn, lựa chọn tốc độ hoàn thành chương trình và thậm chí, lựa chọn cả thầy cô giáo./.
Việt Hà (TTXVN)