Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 8/2/2015 20:45'(GMT+7)

Cần lộ trình hợp lý để bảo đảm quyền lợi của nghệ sĩ

Một cảnh trong vở "Mai Hắc Đế" của Nhà hát Cải lương Việt Nam. (Ảnh: Vương Hà)

Một cảnh trong vở "Mai Hắc Đế" của Nhà hát Cải lương Việt Nam. (Ảnh: Vương Hà)

Tạo sự bình đẳng và cống hiến

Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định 43), năm 2012, Bộ VHTTDL đã giao quyền tự chủ 100% cho 4 đơn vị nghệ thuật, gồm: Nhà hát Lớn, Nhà hát đương đại Việt Nam, Trung tâm chiếu phim Quốc gia và Khu liên hợp thể thao quốc gia.

Ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ VHTTDL) cho biết, qua thực tế triển khai cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43 của Chính phủ là đúng hướng và đạt được một số kết quả như: Tạo quyền tự chủ, chủ động cho đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính; từng bước giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý cấp trên; thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện; phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp đã gắn với chất lượng, hiệu quả công việc thông qua quy chế chi tiêu nội bộ… Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/NQ-CP ngày 9-8-2012 (gọi tắt là Nghị định 40) về Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; trước mắt thực hiện thí điểm đối với các nhóm đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hóa cao, tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động; hoàn thiện thể chế về cơ chế đặt hàng, mua hàng; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ, phù hợp với thị trường,… Triển khai Nghị định 40, năm 2015, Bộ VHTTDL tiếp tục chọn 5 đơn vị nghệ thuật kể trên để thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý.

Ông Hồ Việt Hà cho biết, khi chọn 5 đơn vị để thí điểm, các cấp lãnh đạo của ngành văn hóa đã tính toán kỹ lưỡng, trong đó Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam lẽ ra đã theo lộ trình tự chủ 100% như 4 đơn vị nghệ thuật từ năm 2012, nhưng do nhà hát này có đội ngũ biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hơn nữa số lượng nghệ sĩ nổi tiếng đông, có thời gian dài cống hiến, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, nên được hoãn tới năm nay. “Khi chúng tôi đưa ra quyết định triển khai Nghị định 40 đối với các đơn vị nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng, họ cho rằng đó là việc xã hội hóa nghệ thuật, như thế chẳng khác nào đẩy nghệ sĩ ra đường. Nhưng nghệ sĩ chưa hiểu hết tinh thần của Nghị định 40 cũng như các nhà quản lý”-ông Hồ Việt Hà nói.

Nếu trước đây, đối với các đơn vị nghệ thuật được bao cấp hoàn toàn, vận dụng chi trả theo hai hình thức: Thường xuyên (kinh phí cấp theo năm trong đó có chi trả tiền lương, tiền bồi dưỡng, thù lao biểu diễn, vận hành đơn vị, đi biểu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa…), và không thường xuyên (đầu tư thiết bị kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng…). Theo tinh thần Nghị định 40, thay vì hình thức chi trả thường xuyên sẽ chuyển đổi sang không thường xuyên, tức theo hình thức đặt hàng. Điều đó cũng có nghĩa, nếu trước đây, nhiều đơn vị nghệ thuật có nghệ sĩ, diễn viên cả năm không làm gì, nhưng đến tháng vẫn lĩnh lương, lĩnh thưởng, thì nay Nhà nước đặt hàng, đặt tác phẩm, đơn vị nghệ thuật phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, nghệ sĩ phải cống hiến, làm việc mới có lương; tránh tình trạng có một số nghệ sĩ vì mải chạy “sô” ở ngoài, thu nhập cao mà né tránh các nhiệm vụ biểu diễn, hoạt động chung của đoàn.
Một cảnh trong vở "Mai Hắc Đế" của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Cần có lộ trình hợp lý

Là lãnh đạo 1 trong 5 đơn vị nghệ thuật chọn thí điểm cắt giảm 30% ngân sách năm 2015, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, chủ trương này của Nhà nước hoàn toàn đúng đắn, nhằm xã hội hóa dần các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo động lực cống hiến tài năng của nghệ sĩ. Tuy nhiên, vận dụng lộ trình này đối với hoạt động văn hóa cần thận trọng, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Việc áp dụng cắt giảm 30% ngân sách đối với Nhà hát Tuổi trẻ và lộ trình tới năm 2017 phải tự chủ hoàn toàn cũng đã gây nhiều trăn trở cho anh chị em nghệ sĩ, diễn viên. Bởi với nghệ thuật biểu diễn, làm việc theo tinh thần “thầy già con hát trẻ”, nhiều nghệ sĩ của nhà hát tuổi đời ít mà tuổi diễn đã nhiều, sân khấu phải luôn có gương mặt mới. Cái khó của Nhà hát Tuổi trẻ hiện nay và tình trạng chung của các đơn vị nghệ thuật khác, đó là đội ngũ nghệ sĩ dôi dư. Được biết, nhiều năm qua lãnh đạo nhà hát đã chuẩn bị tinh thần này, chủ động trong việc hợp tác, kêu gọi các nguồn xã hội hóa trong nước và quốc tế để dàn dựng vở diễn, chương trình biểu diễn phục vụ công chúng, có nguồn thu. Mặt khác, nhà hát đã được đầu tư trang thiết bị cho sân khấu, tới đây là triển khai đề án xây dựng trung tâm nghệ thuật hiện đại được quy hoạch tại Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là cơ sở để góp phần tạo sự yên tâm đối với các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng bày tỏ sự lo ngại, khi cắt giảm ngân sách, các đơn vị nghệ thuật đòi hỏi lấy doanh thu làm mục đích hoạt động, nên các vở diễn dễ được dàn dựng chỉ nhằm thu hút khách, bán được vé, khó có tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao.

Cùng quan điểm với ông Trương Nhuận, nghệ sĩ Thanh Ngoan (Nhà hát Chèo Việt Nam) cho biết: Tuy các đơn vị nghệ thuật truyền thống chưa có trong danh sách thí điểm năm nay, nhưng theo tinh thần của Nghị định 40, năm 2016 các nhà hát truyền thống như chèo, cải lương, tuồng lần lượt triển khai. Nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật này đang lo ngại, bởi nghệ thuật truyền thống lâu nay vốn đã ít khán giả, ít vở diễn, thì việc tự chủ sẽ rất khó khăn. Theo nghệ sĩ Thanh Ngoan, nếu không khéo thực hiện sẽ là "con dao hai lưỡi", bởi nghệ thuật truyền thống phải được giữ gìn, nếu chạy theo thị trường, rất dễ bị thương mại hóa.

Đã có chủ trương, đương nhiên phải thực hiện. Nhưng trước khi thực hiện, các cơ quan chức năng cần phải bàn kỹ với nhau, lộ trình áp dụng cho nghệ thuật truyền thống cần có độ lùi thời gian hợp lý hơn. Lý do mà nghệ sĩ Thanh Ngoan đưa ra, đó là việc đào tạo được lớp diễn viên của nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương hiện nay vô cùng khó. Nghệ thuật truyền thống không phải nay học, mai hát được ngay mà phải có sự đan xen, liên tục rèn giũa. Nghệ sĩ của nhà hát ngoài việc biểu diễn trên sân khấu còn làm thêm công tác giảng dạy, trong khi đó, mức chi trả thù lao cho nghệ sĩ vẫn áp dụng Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật thì đến nay đã quá lạc hậu về định mức chi, mức phụ cấp nghề nghiệp, bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn.

Lý giải về lộ trình triển khai Nghị định 40, ông Hồ Việt Hà nhấn mạnh: Việc chọn 5 đơn vị nghệ thuật thí điểm trong năm 2015 đã có sự chuẩn bị và quán triệt rõ ràng. Vào quý IV năm nay sẽ tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để có thể triển khai với các đơn vị nghệ thuật khác, bởi hiện tại có 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL. Với việc chuyển đổi mô hình quản lý, các đơn vị nghệ thuật sẽ chủ động tốt hơn trong công tác tuyển lao động. Tuy nhiên, theo ông Hà, mỗi nhà hát có một cái khó riêng, nên từng bước tiết giảm thế nào cũng phải rất thận trọng. Nếu các đơn vị phía Nam đã triển khai từ nhiều năm trước, rất thuận lợi, nay vận dụng đối với các đơn vị nghệ thuật phía Bắc, hầu hết lại là các đơn vị nghệ thuật đứng đầu, càng phải có cách làm hợp lý, để đội ngũ nghệ sĩ diễn viên, nhất là các nghệ sĩ có danh hiệu và các nghệ sĩ, diễn viên của các loại hình nghệ thuật truyền thống yên tâm gắn bó với nghề./.

Vương Hà (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất