(TG)-Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI), đồng chí Đinh Thế Huynh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thời gian và trí tuệ để tiếp thu tinh thần cốt lõi, nắm vững, hiểu sâu những nội dung cơ bản của các văn kiện Trung ương.
Ngày 3-7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khai mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI). Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI diễn ra từ ngày 2-11/5/2013 đã hoàn thành chương trình đề ra. Trong Hội nghị ngày, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thông qua Nghị quyết Hội nghị gồm 2 Nghị quyết, 3 Kết luận và một số nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Thứ hai, Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, Kết luận một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở.
Thứ tư, Kết luận về việc tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thứ năm, Kết luận về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020.
Thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về các phương án và nhân sự Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thực hiện việc chất vấn, trả lời chất vấn theo quy định và bầu bổ sung 2 đồng chí vào Bộ Chính trị, 1 đồng chí vào Ban Bí thư.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: Thu Hằng)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu chú ý tập trung hiểu rõ, hiểu sâu thực trạng tình hình đang đặt ra hiện nay; những thành tựu đã đạt được cùng những hạn chế, yếu kém và vấn đề đang đặt ra. Cần xác định rõ nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan. Đây sẽ là cơ sở đề ra mục tiêu, quan điểm và hệ thống giải pháp cần thực hiện.
Đối với Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, cần chú ý phân tích mục tiêu mà Trung ương đặt ra cho công tác dân vận cùng 5 quan điểm và 7 nhiệm vụ, giải pháp.
Về Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cần chú ý phân tích, làm rõ quan điểm và các mục tiêu, bao gồm cả mục tiêu tổng quát đến năm 2020 và năm 2050, các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 trên từng lĩnh vực. Đồng thời cần hiểu rõ, nắm chắc các nhiệm vụ trọng tâm chung và cho từng lĩnh vực cũng như 5 giải pháp chủ yếu.
Về Kết luận một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, cần chú ý nghiên cứu mục tiêu, 4 quan điểm cùng các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện Hệ thống chính trị trên từng lĩnh vực.
Về Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 1992, cần quan tâm nắm vững những vấn đề có tính nguyên tắc, để từ đó tiếp tục lãnh đạo và tham gia vào quá trình đóng góp xây dựng hoàn thiện dự thảo và tổ chức thực hiện Bản Hiến pháp được Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, ngoài công việc hoàn thành các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương trong các hội nghị tới, cần nắm vững quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngay những nội dung công việc được Trung ương chỉ ra từ nay đến khi Đề án được thông qua.
Tại Hội nghị Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và cho ý kiến về các phương án và nhân sự Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, thảo luận, cho ý kiến về báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu cần nắm chắc những việc cần làm ngay từ nay đến Đại hội XII, nắm vững các đánh giá của Trung ương sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Điều này cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 3-7, các đại biểu nghe đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Hoàng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày báo cáo Kết luận về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và những công việc cần tiếp tục thực hiện tỏng thời gian tới.
Ngày 4-7, các đại biểu sẽ nghe đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trình bày báo cáo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đồng chí Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày báo cáo Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về việc tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bảo Châu