(TG) - Với phương châm “Tư tưởng đã thông, tát biển đông cũng cạn”, việc học tập, triển khai nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đã trở thành công tác quan trọng hàng đầu được các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội nghiêm túc và khẩn trương thực hiện.
Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực đã đạt được, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế đang tồn tại rất đáng buồn và lo ngại đang diễn ra, nhất là việc thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp học tập quán triệt Nghị quyết.
Có thể kể ra các hiện tượng, một số ít học viên đến rất muộn trong khi Báo cáo viên (BCV) và Ban Tổ chức đến rất sớm dẫn đến việc phải khai mạc trễ giờ. Một số tranh thủ lúc báo cáo việc trình bày phía trên để làm việc riêng như: đọc sách, báo, giải quyết giấy tờ… Chưa kể có học viên còn chơi game, nhắn tin, lên mạng…thậm chí còn trao đổi thông tin qua điện thoại di động rất lớn tiếng giữa hội trường kèm theo các tín hiệu rất to, gây ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh nói riêng, không khí hội trường nói chung.
Trong giờ học tập, một số đại biểu tùy tiện bỏ ra bên ngoài để ăn uống. Đối với các lớp học nhiều ngày thông thường số lượng đại biểu sẽ vơi đi rất nhiều sau giờ giải lao buổi sáng và cả buổi chiều. Số người khác chỉ đến dự đầu giờ rồi vắng mặt, nhất là buổi học tập không có phần kiểm tra, điểm danh người học. Trong học tập rất hiếm khi bắt gặp việc đại biểu ghi chép các chi tiết có liên quan mà chỉ dựa vào tài liệu được cung cấp là chủ yếu. Phần giải đáp thắc mắc thường không nhận được ý kiến đóng góp nào. Thường thì sau mỗi khóa học, Ban Tổ chức có phần thu bài thu hoạch của học viên, thế nhưng rất ít đơn vị tổ chức việc kiểm tra, đánh giá chất lượng tiếp thu bài giảng của học viên để rút kinh nghiệm những ưu, khuyết điểm, làm sáng tỏ những vấn đề chưa rõ ràng dẫn đến việc “sao y bổn cũ” cho các khóa tiếp theo. Đó là chưa kể việc “sao chép” các bài thu hoạch của học viên để nộp về cho Ban Tổ chức.
Tại một số địa phương do thiếu lực lượng BCV chuyên trách nên thường tận dụng lực lượng BCV kiêm nhiệm, thường là cán bộ chủ chốt của các ban xây dựng Đảng, các ban ngành liên quan. Tuy nhiên một số BCV lại không quan tâm đến việc xây dựng giáo án cho phù hợp, hấp dẫn, sát hợp tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị dẫn đến việc báo cáo “chay” nguyên văn giáo trình nên làm người tiếp thu thấy nhàm chán. Cạnh đó, một số ít BCV không biết sử dụng phương pháp trình chiếu nên chấp nhận phương pháp “đọc – chép” rất mất thời gian và kém hiệu quả. Có cả trường hợp BCV nói “lắp” khiến học viên khó tiếp thu bài giảng.
Thiết nghĩ, học tập chính trị, chủ trương, chính sách…là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi đảng viên, mỗi công dân, vì vậy mỗi người theo học cần nâng cao ý thức tự giác trong học tập, không xem đây là một hình thức gượng ép, từ đó sẽ nghiêm túc hơn trong việc học tập của bản thân. Việc bố trí BCV cũng cần xem xét thận trọng trên tiêu chí cơ bản: có phương pháp sư phạm, nắm vững bài giảng, dẫn chứng nhiều tư liệu, sự kiện minh họa thực tế, chính xác, chính thống, gần gũi, hấp dẫn, có chất giọng tốt, thuần thục phương pháp trình chiếu…Có như vậy chất lượng giảng dạy lẫn học tập mới được bảo đảm./.
Tam Anh