Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 15/2/2014 15:25'(GMT+7)

Chống cúm gia cầm từ... nhận thức

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo thông tin mới nhất, thì dịch cúm A(H7N9) đã gây thiệt hại không nhỏ ở Trung Quốc, với 330 ca nhiễm bệnh và 70 ca tử vong. Vì thế, nếu việc phòng dịch ngay từ “vòng ngoài”-ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới-không được triển khai một cách tích cực, triệt để, thì việc lây nhiễm cúm A(H7N9) không chỉ là “cái họa nhỡn tiền” mà có nguy cơ sẽ thành hiện thực. Nếu không ngăn chặn hiệu quả việc cúm A(H7N9) xâm nhập vào nước ta thì hậu quả sẽ rất khó lường, bởi chưa có loại vắc-xin đặc trị vi rút cúm này.

Như vậy, nhiệm vụ cấp bách lúc này được đặt ra là vẫn phải thực hiện tốt Đề án 2088 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới. Nhiệm vụ này trước hết thuộc về các lực lượng hữu quan thực thi nhiệm vụ tại các tuyến biên giới, như hải quan, biên phòng và chính quyền các địa phương dọc tuyến biên giới, nhất là tại các cửa khẩu. Cùng với siết chặt việc kiểm soát, quản lý hàng hóa qua cửa khẩu, qua đường mòn lối tắt, thì một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con tiểu thương nói riêng và người dân nói chung trong việc đấu tranh, ngăn ngừa, tố giác hành vi buôn bán, nhập lậu gia cầm qua biên giới; đi kèm với đó là các cơ quan hữu quan và các địa phương cần thiết lập và duy trì nghiêm túc hoạt động của “đường dây nóng” trong phòng chống cúm. Ngoài ra, cần tổ chức tốt các chốt chặn nhằm kiểm tra, kiểm soát gia cầm nhập lậu trên đường vận chuyển về các địa phương, cũng như nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phát hiện, tố giác hàng lậu, trong đó có gia cầm nhập lậu, đối với chủ các phương tiện vận chuyển và người dân tham gia giao thông trên các phương tiện này.

Trong khi cúm A(H7N9) đang là mối hiểm họa rình rập đời sống, sức khỏe và hoạt động chăn nuôi của người dân nước ta, thì dịch cúm A(H5N1) đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Theo số liệu tính đến ngày 13-2, đã có 2 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Bình Phước và Đồng Tháp.

Có thể thấy, dịch cúm A(H5N1) tuy không phải là dịch bệnh mới, vì đã xuất hiện ở nước ta vài năm nay, song người dân vẫn lơ là, chủ quan, thậm chí là xem nhẹ việc phòng chống dịch. Có thể viện dẫn một số ví dụ như gần đây, phóng viên Báo QĐND thường trú tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, phát hiện khá nhiều điểm buôn bán, giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch gần khu vực cầu Bà Bộ (nằm trên tuyến quốc lộ 91B, nơi giáp ranh giữa quận Ninh Kiều và Bình Thủy, TP Cần Thơ). Hay gần đây, còn có chuyện người dân ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) còn treo…gà chết lên cây dọc đường giao thông nông thôn. Dẫu chưa biết đó là gà chết vì lý do gì, thì đây cũng là biểu hiện chủ quan và thiếu trách nhiệm của người dân trong phòng chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường sống của cộng đồng.

Ngoài ra, sự chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch cúm gia cầm của người dân còn được thể hiện khá “sinh động” dưới nhiều hình thức như: Thả gia cầm hoạt động tự do, thậm chí là nuôi gia cầm ngay trong nhà cùng với…người; vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch từ địa phương này sang địa phương khác; mua, bán, sử dụng thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch…

Như vậy có thể thấy, để phòng chống cúm A(H7N9) và cúm gia cầm hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, việc thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch; báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, kiên quyết không “giấu dịch” và phối hợp với các cơ quan chuyên môn xử lý dịch kịp thời, là yêu cầu cấp thiết đối với các cấp chính quyền và nhân dân các địa phương. Để làm được điều đó, điều tiên quyết là phải chống dịch ngay từ nhận thức của mỗi người.../.

Gia Lương (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất