(TG) - Chiều ngày 23/3, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”.
Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp rất có ý nghĩa đó là kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, về trí thức, về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã và đang tiếp tục được tổng kết, đánh giá làm cơ sở xây dựng nghị quyết mới, chủ trương chính sách mới.
Qua báo cáo của các cơ quan Trung ương và địa phương có thể thấy rằng bên cạnh việc đã quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta cũng đã chỉ ra những bất cập, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác vận động trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước.
Các đại biểu chủ trì hội thảo. (ảnh DP)
Trong lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay thì cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chính là một nguồn lực dồi dào còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Có thể thấy rằng định hướng ưu tiên trong thời gian tới của các cấp là có một kế hoạch, chiến lược cụ thể triển khai đồng bộ các giải phápthu hút trí thức Kiều bào về nước tham gia đóng góp trên các lĩnh vực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của đất nước.
Các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, việc triển khai phải thực sự đúng vai, nhất quán và giảm thiểu chồng chéo về chức năng đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống về công tác này.
Liên hiệp Hội Việt Nam là cơ quan nòng cốt trong việc phát huy mạng lưới tổ chức thành viên rộng lớn của mình sẽ giúp kết nối, hợp tác và kiến nghị với Đảng và Nhà nước tạo điều kiện tốt hơn nữa để trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam đánh giá: “Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ tri thức là nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ tri thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc”.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo không chỉ nhằm đề ra các giải pháp để đoàn kết phát huy đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài trong công cuộc phát triển đất nước mà còn tôn vinh hành trình 40 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam. TS. Phan Xuân Dũng cũng chỉ ra một số thành tựu mà Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã đạt được trong suốt quá trình xây dựng, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trước hết, trong suốt quá trình hoạt động, Liên hiệp Hội Việt Nam đã không ngừng tăng số lượng tổ chức hội, thành viên và trực thuộc. Từ con số 15 hội thành viên sáng lập năm 1983, đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên gồm: 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc. Trong suốt 40 năm hoạt động, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật tới công chúng, giúp đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phổ biến kiến thức thường thức về khoa học cho người dân, đóng góp ý kiến cho những chủ trương, đường lối, đề án quan trọng của đất nước, các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.
Liên hiệp Hội Việt Nam đã thiết lập quan hệ song phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới cũng như phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm và đóng góp thiết thực tại các cơ chế đa phương trong khu vực và quốc tế.
Ông Mai Phan Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đọc tham luận trong buổi hội thảo.
Bên cạnh đó, hội thảo có tới 12 tham luận của các đại biểu đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhằm đóng góp ý kiến, phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua hội thảo, Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 lượt người/năm (chưa bao gồm số vào Việt Nam dự hội nghị, hội thảo và các đoàn trao đổi ngắn hạn).
Trí thức kiều bào ngày càng tham gia một cách trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi vào những vấn đề “nóng”, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Từ Thành Huế - Trưởng Ban Đối ngoại - Kiều bào, UBTW MTTQ Việt Nam đọc tham luận.
Phát biểu trong buổi Hội thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ý kiến về một trường hợp tiêu biểu trong việc tận dụng tốt việc huy động chất xám của kiều bào. Hàn Quốc từ thập kỷ 70 đã ban hành chính sách “Nhập khẩu chất xám Hàn kiều”. Những Hàn kiều có ý định về nước để đóng góp cho xã hội khi đủ điều kiện sẽ được phục hồi quốc tịch Hàn Quốc, thậm chí nếu họ là người có năng lực còn được phép ứng cử vào Quốc hội nước này. Đồng quan điểm, GS.VS. Nguyễn Quốc Sỹ chỉ ra thêm “Không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi trí thức là người Việt Nam mà phải hết sức chú ý tới việc thu hút trí thức là người nước ngoài, tính tới việc sử dụng tại chỗ, tại quốc gia mà họ đang làm việc hoặc mời họ tham gia các dự án của đất nước ta”.
Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Cùng với đội ngũ chuyên gia trong nước, trí thức kiều bào đã góp phần thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam với các nước phát triển. Tận dụng được nguồn lực trí thức Việt Nam ở nước ngoài là góp phần vào công cuộc phát triển toàn diện của đất nước./.
Duy Phong