Thứ Hai, 20/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 20/3/2023 16:41'(GMT+7)

Lạng Sơn: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thùy Ninh)

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thùy Ninh)

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ văn hóa, văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cho Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương, thường trú tại Lạng Sơn; đại diện thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc , ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy. đảng ủy trực thuộc, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, đại diện lãnh đạo phòng văn hóa- thông tin các huyện, thành phố và các tập thể, cán nhân được khen thưởng.

Theo báo cáo, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đánh khích lệ. Cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã từng bước đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung Nghị quyết. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật ngày càng được nâng lên. Tỉnh ủy Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW một cách nghiêm túc, đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật như: Ban hành 73 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết nghiêm túc, bài bản, tỷ lệ học tập Nghị quyết đạt trên 95%; các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật vào Nghị quyết Đại hội Đảng các nhiệm kỳ, vào nghị quyết triển khai nhiệm vụ hằng năm; xây dựng quy hoạch, chương trình hành động, kế hoạch phát triển của từng ngành, đơn vị; hàng năm, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức gặp mặt nhân dịp đầu Xuân, mở các trại sáng tác, hỗ trợ kinh phí cho văn nghệ sĩ tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ…Những năm qua, đời sống văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Nhiều tác phẩm trên các lĩnh vực và thể loại mang đậm dấu ấn về con người Xứ Lạng, đạt giải thưởng quốc gia và khu vực; các loại hình nghệ thuật như thơ, văn xuôi, nhiếp ảnh, mỹ thuật… được quan tâm, phát triển (từ 2008 đến nay, xuất bản 68 tập thơ; tổ chức 07 cuộc thi sáng tác về văn xuôi, với trên 500 tác phẩm dự thi, có trên 100 tác phẩm đạt giải; có 47 tập truyện ngắn, ký, tiểu thuyết được xuất bản; nhiều tác phẩm nhiếp ảnh tham gia liên hoan khu vực và quốc tế đạt giải…); công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được chú trọng, góp phần định hướng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động sáng tác; công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh được quan tâm; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật (Tỉnh đã đăng cai tổ chức nhiều chương trình liên hoan nghệ thuật; tham gia các hội diễn ca - múa - nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đạt kết quả cao; ký kết với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc “Hiệp định công tác quản lý trao đổi văn hoá dân gian nhân dân biên giới hai nước Việt - Trung”; giao lưu tại Hội chợ thương mại; giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung…); Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ được quan tâm (Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh có 6 chi hội, 248 hội viên thuộc 6 chuyên ngành, trong đó có 96 hội viên là hội viên các hội chuyên ngành Trung ương). Phong trào nghệ thuật quần chúng được các cấp ủy đảng, chính quyền coi trọng (Hiện nay, toàn tỉnh có trên 800 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng; trung bình mỗi năm tổ chức hoạt động khoảng trên 1.500 buổi. Trung tâm văn hóa từ tỉnh đến huyện đã tổ chức được khoảng 1.950 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; các đội chiếu bóng lưu động cấp huyện tổ chức được hơn 35.200 buổi chiếu phim phục vụ Nhân dân với 2 triệu lượt người xem…). Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của Nhân dân...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả tỉnh Lạng Sơn đạt được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Đồng chí cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức hội nghị; các báo cáo; phóng  sự, tham luận được chuẩn bị công phu, đầy đủ, súc tích, bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết Nghị quyết; các tham luận ngắn gọn, chất lượng… phân tích những kết quả nổi bật và hạn chế trong thực hiện Nghị quyết của tỉnh Lạng Sơn, đồng thời chỉ rõ bối cảnh trong nước, trong tỉnh, thời cơ, thách thức; nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, văn hóa là hồn cốt của dân tộc; phát triển văn hóa, con người được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm trong các Văn kiện Đại hội của Đảng, trong các bài phát biểu kết luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Vì vậy việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm. Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 83,91%), sinh sống đan xen, phân bố không đồng đều; trong số 200 đơn vị hành chính cấp xã, có 88 xã đặc biệt khó khăn, 36 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Với đặc điểm vị trí địa lý, kinh tế, xã hội như vậy, đặt ra cho Tỉnh những yêu cầu, nhiệm vụ riêng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng nói chung, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật nói riêng. Trong bối cảnh tình hình mới, với những thời cơ và nhiều thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số, vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống và những khó khăn thực tại của một tỉnh miền núi, giáp biên, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi sự quan tâm, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thùy Ninh)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thùy Ninh)

Để tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng nói chung, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật nói riêng, trong thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật; bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các phát biểu kết luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật (kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021 và phát biểu của Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nguyên Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão năm 2023), từ đó cụ thể hóa thành chương trình, nhiệm vụ sát với điều kiện của địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước, địa phương. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ này; ưu tiên hướng đến cơ sở, những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết cống hiến và sáng tạo. Là tỉnh có đường biên giới dài, tiếp giáp với nhiều huyện, xã của nước bạn, vì vậy cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là những địa bàn giáp biên cần đặc biệt quan tâm, sát sao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; làm tốt công tác giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa, văn học, nghệ thuật; đồng thời quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có vốn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, đặc sắc, vì vậy đồng chí đề nghị Tỉnh quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc. Khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ, hội viên Hội VHNT tỉnh và các chi hội tích cực sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm để có nhiều tác phẩm, công trình có giá trị. Quan tâm xây dựng, phát triển và duy trì hoạt động thường xuyên của các Câu lạc bộ nghệ thuật. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho thiết chế văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động phổ biến, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật đến công chúng, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Coi trọng và phát huy vai trò phổ biến, truyền dạy của các nghệ nhân dân gian.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thùy Ninh)

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thùy Ninh)

Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, sau tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để chuẩn bị cho tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (năm 2024); tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (năm 2025).

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và cho biết tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian tới. Đồng chí cho rằng, những kết quả mà Lạng Sơn đạt được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới là rất quan trọng và toàn diện trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn cần tiếp tục khắc phục. Trong thời gian tới, cần nhận thức rõ những thách thức, khó khăn đang đặt ra; những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tiếp tục quán triệt tinh thần chủ yếu của Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Về các nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Phó Bí thư Thường trực, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm yêu cầu các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nhất là những mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Kết luận Hội thảo Quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Trung ương, của tỉnh thời kỳ mới. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, góp phần định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Cần có cơ chế, chính sách quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, ưu tiên hướng đến cơ sở, những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết cống hiến và sáng tạo. Coi trọng công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc. Khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ, hội viên Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh và các chi hội tích cực sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm để có nhiều tác phẩm, công trình có giá trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn nghệ, chú trọng giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tư do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, của tỉnh, gắn bó với cuộc sống của Nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tích cực tìm tòi, thể nghiệm phương thức sáng tác, các thể loại đề tài mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn hóa, văn học, nghệ thuật; có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác văn học, nghệ thuật với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Thúc đẩy, khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về du lịch, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. (Ảnh: Thùy Ninh)

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. (Ảnh: Thùy Ninh)

Tại Hội nghị, 7 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã được tuyên dương, khen thưởng. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. ./.

Thùy Ninh

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lạng Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất