(TG) - Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới, mức độ ô nhiễm nhựa đứng thứ 17 toàn cầu. Để giải quyết vấn nạn này, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa là bước đi tất yếu không chỉ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế hàng tỷ USD.
Một báo cáo được công bố cuối năm 2021 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, tính trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày đưa ra môi trường lên đến 80 tấn.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm từ 50 - 80% lượng rác thải ra biển, với khối lượng khoảng từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).
Để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế và xác định đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải ra môi trường. Bởi việc tái chế sẽ giúp chuyển hướng khối lượng lớn chất thải ra khỏi các bãi thải, bãi chôn lấp và đường bờ biển dài hiện nay của nước ta. Đồng thời, các giải pháp tái chế phi tập trung gần với các nguồn phát sinh chất thải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị.
Uớc tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế-môi trường đáng kể. Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa, với 97% chai nhựa đước tái chế. Một chai nhựa ở Na Uy có thể trải qua hơn 50 lần tái chế. Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh từ 20 đến 45%. Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.
Thực tế, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi mỗi năm có khoảng 3,9 tấn rác thải nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng chỉ có 33% tổng lượng rác thải được tái chế.
Điều nghịch lý, dù rác thải trong nước đang ngập ngụa, nhức nhối nhưng Việt Nam lại là nước nhập phế liệu đứng thứ 2 trên thế giới. Tính riêng năm 2021, ngành nhựa phải nhập khẩu 11 tỷ USD hạt nhựa nguyên sinh và 8 tỷ USD nhựa thành phẩm, bán thành phẩm. Điều này đã đẩy đến một nghịch lý là phải nhập khẩu phế liệu về để tái chế, tái sử dụng nhưng trong nước lại bỏ đi nguồn nguyên liệu dồi dào có thể tái chế từ rác thải, thêm vào đó là rất nhiều chi phí khác để xử lý số rác thải này. Vì thế, nếu có ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn, Việt Nam có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ USD mỗi năm, thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo thiết bị tái chế và tạo việc làm cho hàng triệu lao động trong nước.
Vì vậy, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh...
Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn, nhu cầu cho nguyên liệu phế liệu gia tăng hằng năm từ 15-20%. Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Việt Nam, nguồn phế liệu nhựa thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước nên nhu cầu xử lý rác thải trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp là rất lớn. Ước tính, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát sinh hơn 3.600 tấn chất thải các loại trong đó có khoảng 8% với hàng trăm tấn rác thải nhựa và nilon.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu như trước đây đa phần các loại rác thải công nghiệp từ nhựa sau khi phân loại được xử lý theo phương pháp đốt, thì nay việc tái chế ra sản phẩm để sử dụng là bước đi quan trọng trong thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới.
Trước yêu cầu cấp bách trên, để góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện chủ trương giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa công nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đầu tư nghiên cứu và xử lý rác thải nhựa thành công.
|
Thu Hằng