Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. Theo đó, hàng ngàn huyện, xã sẽ thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Đây là nhiệm vụ không đơn giản, vậy đâu là giải pháp thực hiện có hiệu quả những mục tiêu đã đề ra. Ông Lê Thanh Vân – đại biểu Quốc hội khóa XIV đã trao đổi về nội dung này.
Rà soát tổng thể các tiêu chí
PV: Ông đánh giá thế nào việc việc xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến 2021 của Bộ Nội vụ trong bối cảnh hiện nay?
Ông Lê Thanh Vân: Trong điều kiện kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác đã có thay đổi, đặt ra vấn đề thu gọn đầu mối quản lý bằng việc tổ chức lại các đơn vị tổ chức hành chính là cần thiết. Do đó, việc xây dựng Đề án mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến là đúng đắn.
Xây dựng Đề án phải dựa trên cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn cũng như đánh giá lại quá trình sáp nhập, chia tách nhiều năm qua, từ đó rút ra bài học cho lần xây dựng Đề án này.
Cần xây dựng một bộ tiêu chí hợp lý, không đơn giản chỉ là quy mô dân số, diện tích tự nhiên mà còn có các yếu tố như: cơ cấu dân số, cơ cấu kinh tế ra sao, có tiện lợi cho việc thu thuế, cũng như việc triển khai các hoạt động kinh tế theo định hướng của Nhà nước hay không; kết cấu hạ tầng liên kết giữa cấp xã, huyện như thế nào, một mặt quản lý dân cư một cách thuận lợi, mặt khác cũng góp phần thúc đẩy giao thương giữa đơn vị hành chính cấp xã, huyện.
Bên cạnh đó, phải tính đến điều kiện thực thi quản lý trật tự an toàn xã hội thích hợp với năng lực bộ máy; cũng cần tính đến công nghệ quản lý, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang xây dựng môi trường quản lý, làm việc trên không gian mạng.
Một yếu tố cốt lõi nhất là văn hóa. Bởi xây dựng đơn vị hành chính cấp xã, huyện không chỉ thuần túy là dân cư mà đó còn là những giới hạn tương đồng về văn hóa. Văn hóa là cái gốc để giữ sự liên kết của cộng đồng dân cư.
Nếu yếu tố này không được xem xét đến thì việc sáp nhập có thể trở thành câu chuyện “cưỡng bức” tập tục văn hóa của một cụm dân cư này có thể xung đột với tập tục văn hóa của cụm dân cư khác. Yếu tố này cũng chi phối tới hoạt động quản lý nhà nước, bởi văn hóa là gốc rễ của mọi hành vi thì việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, với những tập tục, thói quen, thậm chí tín ngưỡng tôn giáo, nếu không có sự đồng thuận thì dễ có sự xung đột.
Theo đó, cần rà soát lại các tiêu chí tổng thể để nhận diện quy mô cấp xã như thế nào cho hợp lý, dưới xã có bao nhiêu đơn vị thôn, bản; kết nối, giao dịch dân cư như thế nào là phù hợp.
Trong đó cần nhấn mạnh tới tiêu chí về địa lý, điều kiện giao thông đi lại. Đồng bằng có diện tích lớn, đi trong một tiếng đồng hồ là có thể hết địa phận xã, trong khi ở miền núi, với điều kiện phương tiện chưa hiện đại, thì việc đi lại cũng như giao dịch của người dân với chính quyền cấp xã cũng phải tính bao nhiêu thời gian.
PV: Hiện nay có 259 huyện, hơn 6000 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số. Trong khi đó, mục tiêu đề ra đến năm 2021 phải sắp xếp thu gọn hợp lý đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. Theo ông, lộ trình đặt ra như vậy có thực hiện được không?
Ông Lê Thanh Vân: Đề án đặt ra các mục tiêu như vậy là rất cụ thể, song vấn đề đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn như vậy đòi hỏi việc điều tra xã hội, xây dựng các tiêu chí phải minh bạch, thuyết phục để đến năm 2021 mới có cơ sở để thực hiện.
Về lộ trình thực hiện, trong năm nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng xong đề án, hoàn thiện các tiêu chí đủ sức thuyết phục đòi hỏi một quá trình hết sức công phu. Như trên đã nói đó là xây dựng một bộ tiêu chí chuẩn mực, nhìn vào đó để có thể nhận diện quy mô cấp xã, huyện ở miền núi, đồng bằng, thành thị, nông thôn… những yếu tố đan xen, hỗn hợp.
Ví dụ một xã nông thôn nhưng ở miền núi ở cực Bắc Tổ quốc như xã Đồng Văn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang thì tiêu chí phải khác, không thể lấy chuẩn mực chung làm tiêu chí áp đặt cho tất cả vùng miền được, nhất là những vùng miền đặc thù về địa hình, điều kiện giao thông, khí hậu, văn hóa…
Nước ta có những vùng địa lý rất hiểm yếu, đi lại khó khăn nên trong quá trình xây dựng tiêu chí cần lấy cái gì làm chuẩn mực, lấy cái gì đo đạc được để khoanh vùng giới hạn quản lý cấp xã, huyện.
Giao dịch giữa dân với chính quyền chủ yếu là giao dịch trực tiếp, thì những thủ tục hành chính mà người dân yêu cầu chính quyền phải đáp ứng thì phải có sự tương tác trực tiếp. Vậy thì những điểm vùng sâu, vùng xa, người dân trú ngụ phân tán, khi có thủ tục hành chính như khai sinh, khai tử, hôn thú mà họ phải đi bộ tới một ngày trời, khi đến nơi trụ sở chính quyền đã đóng cửa nghỉ thì phải làm thế nào. Ngoài ra phải tính đến cơ cấu dân số, không thuần túy là số nhân khẩu mà phải tính đến cơ cấu tuổi, cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…phải tính toàn diện thì khi xây dựng đơn vị hành chính cấp xã mới đầy đủ được.
PV: Theo ông, nhiệm vụ của các địa phương khi triển khai công việc này như thế nào?
Ông Lê Thanh Vân: Việc triển khai của địa phương lúc này chưa đặt ra. Các địa phương cần hỗ trợ cho Trung ương, cụ thể là cơ quan chủ trì là Bộ Nội vụ, cung cấp các dữ liệu để xây dựng, hoàn thiện các bộ tiêu chí. Khi đã cung cấp, đề xuất quy mô dân số, địa lý…để hình thành đơn vị hành chính cấp xã, huyện khá đồng nhất thì khi đó tiến hành hội thảo thật kỹ để phân loại quy mô dân số, diện tích tự nhiên ở từng vùng.
Để làm được điều đó cần phải có đề cương với những yêu cầu đặt ra. Đầu tiên phải xác định mục tiêu của đề án này là gì? Tiến hành từ đâu? Nếu như xây dựng đơn vị hành chính cấp xã mà không tham khảo chính quyền, ý kiến nhân dân thì chẳng khác nào làm chính sách ở “phòng lạnh”, quan liêu. Ngược lại, cũng không thể vì đòi hỏi của cấp xã mà chiều theo đề xuất của họ.
Một mặt chúng ta đưa ra những mục tiêu quản lý để thay đổi quy mô dân số, diện tích tự nhiên ở các đơn vị hành chính, mặt khác cũng phải lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, kinh nghiệm quản lý của chính quyền cơ sở thì mới đồng thuận được.
Hay nói cách khác, đây là bước chuẩn bị các tiền đề quan trọng để sau khi đề án được thông qua thì bước triển khai sẽ rất thuận lợi. Muốn vậy phải tuyên truyền thật tốt về chủ trương của Đảng đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện. Tuyên truyền kỹ về tiêu chí, nhiệm vụ đặt ra để có sự cộng tác giữa cấp trên, cấp dưới. Đồng thời phân loại các địa phương có đặc thù về địa hình, văn hóa, nhất và những vùng trũng về kinh tế, giáo dục, văn hóa phải hết sức chú ý.
Thi tuyển để chọn lựa cán bộ đủ đức, đủ tài
PV: Sáp nhập không chỉ đơn thuần là việc gộp cơ học mà còn phải sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ dôi dư. Từ những bài học kinh nghiệm trước, theo ông, với bài toán về sắp xếp nhân sự, đâu là cách hợp lý nhất?
Ông Lê Thanh Vân: Câu chuyện về tinh giản biên chế chúng ta đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp từ lâu nhưng không giải quyết được triệt để vì nhận thức của không ít người còn nặng nề tư tưởng giữ ghế. Có nghĩa, ai đã vào biên chế là nghĩ sẽ ngồi ở vị trí biên chế suốt đời; ai được bổ nhiệm chức vụ nào đó thì không muốn thoái, chỉ muốn tiến. Tâm lý đó đè nặng, nên khi thay đổi về tổ chức, dôi dư số trưởng, phó, biên chế thì chúng ta rất khó giải quyết.
Có nhiều cách, song cách giải quyết thuyết phục nhất theo tôi vẫn là thi tuyển. Ví dụ khi sáp nhập 2-3 đơn vị vào làm một, có 2-3 cấp trưởng mà chỉ có 1 “ghế” thì chỉ có cách là thi thôi. Quan trọng là nội dung cuộc thi và hình thức thi như thế nào.
Theo tôi, hình thức thi có thi viết và thi vấn đáp. Thi viết cần đặt ra các mục tiêu về nội dung làm sao sát với vị trí lãnh đạo. Khi thi vấn đáp làm sao để người ứng thí độc lập, khách quan, trình bày được những đòi hỏi cũng như nhu cầu về công việc, vị trí đặt ra.
Người nào trượt thì đó cũng là căn cứ thuyết phục để đưa họ xuống làm cấp phó, thậm chí qua thi tuyển công khai, minh bạch có thể loại hẳn cán bộ đang là cấp trưởng xuống làm chuyên viên; cán bộ chuyên viên không đáp ứng được yêu cầu thì buộc thôi việc. Cần phải có một cuộc cách mạng về nhân sự.
PV: Ông có cho rằng việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy không hề dễ dàng khi đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người, nhiều quan chức?
Ông Lê Thanh Vân: Cái khó là người triển khai. Bài học cay đắng rút ra từ kỳ thi THPT vừa qua cho thấy tính tự giác của những người tham gia tổ chức cuộc thi là vô cùng quan trọng. Nếu một người có cái tâm không tốt, có động cơ cá nhân thì dễ dàng bẻ cong sơ hở của pháp luật.
Với thi tuyển cán bộ cũng vậy, nếu không củng cố các quy định thật chặt và không xử lý nghiêm minh những sai phạm thì dễ dẫn đến nhờn luật.
Vì chúng ta chưa xử lý nghiêm những tội lạm dụng quyền lực nói chung, lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ nói riêng, chưa quy định tội danh trong Luật hình sự nên chưa đưa ra những tấm gương tày liếp khiến những kẻ vi phạm cảm thấy sợ. Bổ nhiệm cả họ làm quan nhưng chỉ xử lý khiển trách, cảnh cáo, thậm chí có trường hợp không xử lý thì đó không phải là công cụ tốt để đạt được mục tiêu đặt ra là thi tuyển để lựa chọn cán bộ thực sự có đức, có tài.
Thất thoát về kinh tế có thể khôi phục được, nhưng thất thoát về quyền lực, tham nhũng quyền lực sẽ nguy hiểm hơn nhiều, làm tha hóa cả bộ máy. Chính vì vậy phải củng cố các quy phạm pháp luật, trừng trị thật đích đáng, nghiêm khắc đối với tội hà lạm quyền lực, phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm.
PV: Nhiều ý kiến lo ngại khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện sẽ xuất hiện tình trạng cục bộ địa phương, thưa ông?
Ông Lê Thanh Vân: Lo ngại này có cơ sở, vì ở địa phương (cấp xã) tính dòng họ, độ liên kết rất chặt chẽ, nhất là các kỳ bầu cử, khi đa số phiếu bầu cử tri là của dòng họ thì sẽ dễ chi phối kết quả.
Bên cạnh đó là vai trò kiểm soát của cấp trên đối với địa phương có nảy sinh tính cục bộ. Nếu cần thiết, cấp trên phải can thiệp bằng việc điều động cán bộ.
Cục bộ địa phương, dòng họ, gia đình dễ bị vi phạm, bởi vai trò của người đứng đầu có muôn phương, ngàn kế để chi phối. Họ không lộ liễu bằng cách ra chỉ thị, mệnh lệnh nhưng họ có thể tác động bằng nhiều kiểu: gọi lên đe dọa, nhắn tin gợi ý… khiến cấp dưới răm rắp phải nghe.
Tôi nghĩ, câu chuyện này không khó, vấn đề là có làm hay không. Để chấp hành pháp luật, bên cạnh sự tự giác phải có công cụ trừng trị thì mới đủ sức răn đe, lập lại kỷ cương.
PV: Xin cảm ơn ông ./.
Theo VOV