Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc
hội khóa XIII, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, đa số các chương
trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện thời gian qua chưa phát huy hiệu
quả và gần như sẽ không hoàn thành kế hoạch đề ra. Do vậy, cần phải sắp
xếp, rút gọn lại các chương trình trong thời gian tới.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) chia sẻ, trong thời gian qua, 16
chương trình mục tiêu quốc gia đã đóng góp tích cực cho vấn đề cần giải
quyết ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các chương trình chưa phát huy hết
hiệu quả là vì yêu cầu đặt ra quá lớn, điều kiện để thực hiện lại chưa
đáp ứng. Trước hết là về vốn, phần lớn các yêu cầu đặt ra và nội dung
cần giải quyết là rất rộng. Việc liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành
với nhau để thực hiện các chương trình vẫn còn rời rạc, thiếu tính đồng
bộ...
Ngoài ra, do cách làm, cách điều hành chưa được tốt nên nhiều chương trình thực hiện không được như mong muốn.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đề nghị, trong thời gian tới Chính phủ cần sắp xếp
và thu hẹp lại các chương trình mục tiêu quốc gia và các bộ, ngành liên
quan phải có sự phối hợp đồng bộ với nhau.
Đồng thời, Chính Phủ cần tập trung nguồn vốn cho các chương trình cụ thể
như chương trình xây dựng nông thôn mới vì toàn bộ những công trình này
nằm ở nông thôn, phục vụ cho nông dân, từ đó có những địa chỉ cụ thể và
tập trung chỉ đạo, hướng cho các ngành, các lĩnh vực... tạo nên sức
mạnh tập thể.
Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) khẳng định: các chương trình đã
mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là đối với đồng bào nghèo, đồng bào
dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là chương trình mục tiêu
quốc gia, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, các chương trình này vẫn còn không ít những hạn chế đó là
nhiều chỉ tiêu thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp so với
mục tiêu được phê duyệt.
Chất lượng hiệu quả và tính bền vững của một số chương trình mục tiêu
quốc gia chưa cao, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm mạnh nhưng chưa
vững chắc; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng chưa được thu
hẹp. Việc quản lý, sử dụng các công trình sau đầu tư vẫn thiếu tính bền
vững do hoạt động khai thác sử dụng và duy tu, bảo dưỡng chưa được thu
hẹp.
Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng các mục tiêu, định
hướng quá lớn trong khi nguồn vốn bố trí cho các chương trình còn thấp.
Để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời
gian tới, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị: Chính phủ cần ban hành đồng bộ cơ
chế quản lý và các chính sách có liên quan đến việc giao chỉ tiêu kế
hoạch và quản lý vốn chương trình mục tiêu quốc gia; giao kế hoạch vốn
chương trình mục tiêu quốc gia cùng với thời điểm giao kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm để tạo điều
kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm
vụ, nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu La Ngọc Thoáng (đoàn Cao Bằng) bày tỏ, qua giám sát ở các địa
phương cho thấy, càng ở vùng sâu, vùng xa thì các chương trình mục tiêu
quốc gia không đem lại nhiều sự thay đổi cuộc sống của người dân.
Mặc dù, cán bộ của chương trình rất tích cực, nhưng sự khác biệt về điều
kiện tự nhiên ở mỗi vùng, miền đòi hỏi những chương trình cần phải có
sự điều chỉnh giữa vùng miền để có cách tiếp cận phù hợp và có hiệu quả
nhất.
Do vậy, Chính phủ cần rà soát lại tất cả các mục tiêu của mỗi chương
trình và điều chỉnh giảm bớt lồng ghép các chương trình cho phù hợp với
điều kiện về nguồn lực.
Điều chỉnh tỷ trọng vốn, tăng chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt hạ
tầng cơ sở như giao thông, trường học và trạm y tế giảm chi cho sự
nghiệp, phải linh hoạt trong cách tiếp cận với mỗi vùng miền để chương
trình đạt hiệu quả cao nhất. Đối với vùng sâu, vùng xa nên chọn cách đào
tạo qua thực tế tại thôn bản hơn là tổ chức các lớp học ở trên hội
trường tập trung.
Còn theo đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), đối với một số chương trình
hiện nay đang sử dụng chủ yếu là vốn sự nghiệp, Chính phủ nên chuyển
sang nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương; ban hành
quy chế quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia với tinh
thần thay đổi cơ chế lập và giao kế hoạch hàng năm sang giao trung hạn,
quy định rõ quy chế lồng ghép, sử dụng nguồn vốn để địa phương lồng ghép
nguồn vốn đầu tư, tập trung dứt điểm theo từng năm./.
Thành Trung (TTXVN)