(TG) - Việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp đối với từng loại thuốc lá thế hệ mới, dựa trên mức độ nguy cơ khác nhau, nhằm mục đích giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá đối với người hút và cộng đồng.
Thạc sĩ Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ: Tuy xuất hiện muộn nhưng thuốc lá điện tử gia tăng đột biến. Bởi thanh thiếu niên được xác định là chìa khoá thị trường, là mục tiêu nhắm tới của các công ty thuốc lá. Chính vì vậy, từ thiết kế, hương vị đến chiến lược quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử đều hướng đến giới trẻ, tạo nên trào lưu, phong cách hấp dẫn giới trẻ. Thuốc lá điện tử có giá thành rẻ, dễ tiếp cận, dễ mua thông qua các mạng xã hội, trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ, hội nhóm,...
Theo điều tra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, Tổ chức Campain for Tobacco Free Kids, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m quanh mỗi trường học. Đại diện Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nhấn mạnh: “Các trường học đang bị “bao vây” bởi các cửa hàng có bán thuốc lá điện tử”.
Trao đổi về kinh nghiệm và khó khăn trong công tác giáo dục, phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học, ông Dương Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn sớm có căn cứ pháp lý để kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá điện tử quanh trường học, mạng xã hội…
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình, biết cách phòng tránh, biết nói không trước những rủ rê, cám dỗ. Bằng các việc làm cụ thể, giáo viên quan tâm sâu sát tới tâm tư, hoàn cảnh, sự thay đổi của từng em học sinh, phối hợp chặt chẽ với gia đình, tìm nguyên nhân cụ thể để có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Ký cam kết giữa Ban giám hiệu với phụ huynh, học sinh ngay từ đầu năm học; tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức; thành lập lực lượng giám sát trường học; tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh; câu lạc bộ truyền thông do chính học sinh nhà trường phụ trách,… là những nỗ lực, kinh nghiệm được đại diện lãnh đạo một số trường Trung học phổ thông chia sẻ tại hội thảo./.
TG