Không phải đến gần đây, khi những chi tiết, câu từ phản cảm, không phù
hợp lứa tuổi trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Kim Ðồng, bị dư
luận phát hiện, thì vấn đề làm thế nào để có một thị trường sách "sạch"
cho tuổi nhỏ mới được chú ý. Lâu nay, tình trạng sách nhảm, sai sót, độc
hại vẫn là báo động chưa có hồi kết của sách thiếu nhi nước nhà.
Tràn lan sách nhảm nhí, lệch lạc
Một thị trường sách thiếu nhi hết sức phong phú, đa dạng là điều dễ thấy khi dạo qua các nhà sách, siêu thị tại các thành phố lớn trên cả nước, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhìn qua, khó có thể phân biệt được sách tốt, xấu khi hình thức bên ngoài được in rất đẹp với bìa mầu cứng, chất lượng giấy tốt, nhất là truyện tranh. Song thực tế, không ít cuốn có nội dung nhảm nhí, phản cảm, thiếu tính giáo dục được bày bán công khai. Một trong những thể loại hấp dẫn mà phụ huynh thường lựa chọn chủ yếu cho lứa tuổi mầm non là truyện cổ tích với nhiều tuyển tập truyện trong nước và thế giới. Song thực tế nhiều truyện trong các cuốn sách này còn không ít "sạn" như bộ 101 truyện mẹ kể con nghe, 99 truyện kể cho bé (NXB Ðồng Nai).... Thí dụ như bộ sách Truyện tranh cổ tích Việt Nam chọn lọc (NXB Thanh Niên). Với mức giá chỉ 3.000 đồng/cuốn, bộ truyện này có hàng chục cuốn, hầu hết bằng nét vẽ ma quái, mô tả chi tiết cảnh chặt đầu quái vật hay mãng xà, trăn nuốt chửng người, quỷ nhập tràng giết người... Một dạng sách nữa cùng trong xu hướng này là các tập truyện tranh mỏng với hình ảnh minh họa quái dị, ghê rợn; kết thúc không có hậu; dạy trẻ những trò nghịch ngợm, khôn vặt, thói gian lận, đối phó người lớn hay hả hê trước tai nạn, nỗi khổ của người khác.
Mảng sách kiến thức, giáo dục đạo đức, tâm lý lứa tuổi cũng không ít sai sót, lệch lạc về kiến thức, tư duy như các cuốn Phát triển tư duy toán học cho bé, tập 3 (NXB Ðồng Nai), Bé vui học toán (NXB Thời Ðại)... Ðiển hình, sách Hỏi đáp nhanh trí với nhiều phiên bản của các NXB Văn hóa - Thông tin, Phụ nữ, Hồng Ðức, Hải Phòng... gắn mác trắc nghiệm IQ từng bị dư luận phản ứng vì có quá nhiều thông tin nhảm nhí, truyện tiếu lâm không phù hợp lứa tuổi đến nay vẫn được bày bán tại nhiều nơi. Có thể gặp trong đó rất nhiều những hỏi, đáp phản cảm, thiếu văn hóa và tính giáo dục như: "Niu-tơn nói gì khi phát hiện ra trái đất có lực hút?", đáp: "Á, đau chết đi được"; "Ai là người không chịu nghe lời?", đáp: "Người điếc"; "Làm thế nào để học sinh không ngủ gật trên lớp?", đáp: "Cho nghỉ học"; "Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào?", đáp: "Biến đổi chiều cao"...
Bên cạnh đó, một số cuốn như Tiếng Anh nhập môn, Kiến thức dành cho thiếu nhi từ 6-12 tuổi, Bách khoa thư đầu đời cho trẻ em, Tiếng Hoa dành cho trẻ em... đều có những sai lệch về văn hóa, lịch sử, địa lý, chủ quyền... Sách hướng dẫn, tham khảo của một số NXB chuyên ngành như NXB Giáo dục cũng không tránh khỏi ngoại lệ với những sơ suất trong khâu biên soạn như trường hợp cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A khi đưa đoạn văn của nhà văn Nguyễn Ðình Thi sáng tạo về nhân vật Thánh Gióng khiến nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh băn khoăn, thắc mắc.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Lâu nay, sách thiếu nhi vốn được xem như một thị trường béo bở với giới làm sách bởi đặc thù của thể loại này. Nếu như trước đây chỉ NXB Kim Ðồng có chức năng làm sách trẻ em, thì giờ đây hầu hết các NXB đều có thể tham gia. Do chạy theo doanh thu, dù không có kỹ năng nghiệp vụ làm sách thiếu nhi, đội ngũ biên tập viên còn hạn chế và thường phó mặc cho đối tác liên kết nên dẫn đến nhiều sai phạm về nội dung, cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại đối với sự hình thành, phát triển tâm hồn, trí tuệ và nhân cách trẻ.
Phải thấy rằng, nguyên nhân của sự ra đời những cuốn sách nhảm, sách độc hại trước hết do tác giả và NXB. Cụ thể, sự tràn lan, lấn át của sách dịch và tranh truyện đối với sách trong nước với những hình ảnh, nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam là thực trạng kéo dài. Theo nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban Sách thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, biên tập viên NXB Kim Ðồng, không thể chỉ đổ cho sách nước ngoài, cho vấn đề bản quyền. Vai trò của dịch giả và người biên tập là hết sức quan trọng. Họ không chỉ giỏi ngoại ngữ, nắm vững tiếng Việt mà còn phải có một kiến thức văn hóa và nhất là cần hiểu biết tâm lý lứa tuổi để xử lý những vấn đề ngôn ngữ sao cho vừa đúng, sát với nguyên tắc lại phù hợp tâm hồn, cảm thụ của trẻ em Việt Nam. Phải đủ tinh tế để truyền đạt cho các em vẫn hiểu được mà không bị kích thích hay tác động xấu. Ðặc biệt vai trò của người biên tập là rất quan trọng để có thể phát hiện và điều chỉnh những sai sót của dịch giả. Với thể loại truyện cổ tích và lịch sử, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng viết lại truyện cổ tích là kể lại theo nội dung ngày xưa nên đòi hỏi người viết phải hiểu biết về ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, tinh thần của truyện. Do vậy rất cần có một hội đồng khoa học cho việc phổ biến nội dung của mảng truyện này chứ không thể tùy tiện, ngẫu hứng.
Thực tế lâu nay nhiều cuốn sách sai phạm thường được phát hành rộng rãi, thậm chí lưu hành rất lâu cho đến khi bị dư luận và báo chí phát hiện mới thấy cơ quan quản lý vào cuộc. Rõ ràng, sự buông lỏng, thiếu kiểm soát đối với thị trường sách thiếu nhi cũng chính là nguyên nhân tồn tại sách nhảm và những hậu quả. Theo quy định của Luật Xuất bản, việc nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản, In và Phát hành trước khi phát hành sách là điều kiện bắt buộc. Song tình trạng "quên" của nhiều NXB là chuyện... thường ngày! Việc kiểm duyệt dường như cũng vượt quá khả năng của Cục khi mỗi năm có hàng vạn, mỗi ngày có hàng trăm đầu sách ra đời, trong khi đội ngũ dành cho công việc này lại hết sức hạn hẹp.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, phần lớn những sai phạm thời gian qua trong xuất bản sách nói chung và sách thiếu nhi nói riêng là ở khâu liên kết xuất bản, khi các NXB hầu như chỉ "bán" giấy phép rồi phó mặc cho đối tác toàn quyền, kể cả việc tổ chức bản thảo và biên tập vốn thuộc trách nhiệm NXB. Cục trưởng Chu Văn Hòa cho biết, trong năm nay sẽ kiểm tra, rà soát tất cả các NXB trên cả nước, trong đó có các NXB đã cho ra đời sách nhảm. Và không chỉ xử lý nghiêm NXB, cơ quan quản lý sẽ đồng thời xử phạt cả đối tác liên kết; với những đơn vị sai phạm không khắc phục sẽ kiên quyết tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên của các NXB cũng được chú trọng khi Luật Xuất bản mới quy định cụ thể hơn về trình độ, nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật và năng lực chuyên môn của đội ngũ này; đặc biệt là phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Luật mới cho phép các đối tác liên kết được biên tập sơ bộ trước khi đưa NXB biên tập lần cuối, do vậy, biên tập viên của các đối tác cũng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề như biên tập viên ở các NXB.
Hy vọng, với cái tâm của những người làm sách cùng trách nhiệm của gia đình, nhà trường và nỗ lực vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền, thị trường sách thiếu nhi sẽ từng bước gạn đục khơi trong để có được nhiều sách "sạch" góp phần bồi dưỡng, vun đắp tâm hồn và trí tuệ cho những chủ nhân tương lai của đất nước.
Ngày 20-3, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông)
có công văn yêu cầu NXB Kim Ðồng thẩm định lại nội dung, đề xuất phương
án xử lý cuốn Truyện cổ tích Việt Nam; đồng thời gửi công văn đến các
NXB yêu cầu rà soát và biên tập kỹ nội dung xuất bản phẩm dành cho thiếu
nhi. Theo đó, các NXB phải chủ động kiểm tra lại toàn bộ xuất bản phẩm
đã xuất bản, phát hành và toàn bộ bản thảo đang trong quá trình xuất
bản; nếu có vấn đề cần điều chỉnh phải xử lý kịp thời. Nội dung và hình
thức trình bày, hình vẽ minh họa phải phù hợp thuần phong mỹ tục Việt
Nam và tâm sinh lý lứa tuổi; cần ghi rõ đối tượng phục vụ, lứa tuổi bạn
đọc ngoài bìa một. Bên cạnh đó phải phổ biến yêu cầu trên cho các cộng
tác viên và đối tác liên kết của NXB. |
|
Theo Nhân dân