Thứ Bảy, 27/7/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 22/3/2015 13:34'(GMT+7)

Cây xanh và lòng người

Hàng cây trên đường Nguyễn Trãi bị đốn hạ. (Ảnh: Vnexpress)

Hàng cây trên đường Nguyễn Trãi bị đốn hạ. (Ảnh: Vnexpress)

Chuyện chặt bỏ những cây xanh bị sâu ruỗng, nghiêng ngả hay có nguy cơ gãy đổ trên các đường phố Hà Nội để trồng thay cây mới chắc chắn, an toàn và đẹp hơn là việc phải mười mươi, ấy thế mà lại gây nên làn sóng phản đối của dư luận. Chuyện những người ở Công ty Công viên và cây xanh thành phố cả đời trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, hiểu biết, quen thuộc từng gốc cây được họ đánh số, mùa xuân nào cũng tỉa cây, đốn cành lo an toàn cho con người, phố xá và chính cây xanh bây giờ bắt tay vào việc trồng mới, cải tạo các đường cây lại bị người dân hoài nghi về mục đích, động cơ tốt đẹp? Những chuyện có vẻ như bất bình thường ấy xuất phát từ chính những cách nghĩ, cách làm giản đơn, có phần “độc quyền” bấy nay của chính những người được giao trách nhiệm: Thiếu công khai thông tin, minh bạch công việc liên quan đến sự quan tâm chung của xã hội.

Cho đến nay, cây xanh là vẻ đẹp đặc trưng truyền thống hàng đầu của Hà Nội. Quá trình đô thị hóa, bê-tông hóa diễn ra nhanh chóng và ồ ạt trong những năm gần đây càng làm cơn khát thèm cây xanh của người Hà Nội trở nên mạnh mẽ hơn. Chỉ một bóng cây, một gốc cây đã làm mát, làm dịu cho cả một góc phố, cho hàng chục gia đình với nhiều lớp người già trẻ. Gắn bó, thân quen là vậy bỗng đùng một cái, không biết nguyên cớ gì, cái cây ấy bị đốn hạ. Mà lần này, không phải chỉ số ít cây lẻ tẻ trên đường nọ phố kia mà là hàng loạt, đồng loạt đến 6.700 cây trên phạm vi cả 10 quận nội thành. Những nhớ tiếc, những hồ nghi mông lung trở thành cơn sốc xã hội đâu phải chuyện lạ.

Phản ứng trước những luồng dư luận yêu cầu dừng ngay việc đốn hạ và trồng thay thế hàng loạt, rất mừng là thành phố Hà Nội đã kịp thời quyết định cho dừng, tiến hành họp báo công bố những điều liên quan cùng kế hoạch thực hiện tiếp theo và lắng nghe những vấn đề xã hội qua các nhà báo nêu lên. Mừng nữa là Công ty Công viên và cây xanh thành phố đã nhanh chóng gắn biển trên mỗi cây dự định thay thế để xin ý kiến người dân qua số điện thoại nóng.

Những giải pháp tình thế kịp thời, nhanh chóng đó đã giải tỏa phần nào nỗi bức xúc của dư luận. Song qua việc này một lần nữa bài học về lòng dân, tạo sự đồng thuận xã hội lại nổi lên đòi hỏi sự đổi mới, cải tiến mạnh mẽ hơn lề lối làm việc của mọi cơ quan công quyền.

Tại sao quy định phải công khai quy hoạch các khu đô thị mới, công trình mới đã có từ lâu đến nay vẫn chưa thực sự được thực hiện trong thực tế? Tại sao việc xây dựng trung tâm thương mại thay thế chợ truyền thống vẫn thường không tạo được sự đồng thuận trong các cộng đồng dân cư? Tại sao mục đích di dời các nhà máy, xí nghiệp, công sở ra khỏi nội thành để xây dựng các công trình công ích vẫn không được thực hiện đúng mục đích? Tại sao những thủ tục hành chính rườm rà, loanh quanh, những căn bệnh quan liêu, vô cảm, nhũng nhiễu ở công sở, bệnh viện, căn bệnh “dạy thêm” ở trường học vẫn chưa giảm?...

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp thành phố Hà Nội thực hiện “Năm trật tự, văn minh đô thị”, việc thay thế cây xanh chỉ là một trong những phần việc góp phần tạo bộ mặt mới cho phố phường, còn rất nhiều việc phải làm. Mong rằng, với bài học cây xanh và lòng người lần này, những công việc khác sẽ được tiến hành theo đúng khẩu hiệu bấy nay “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chính những luồng ý kiến thắc mắc, phản biện và đề xuất của những người dân xung quanh việc đốn hạ và thay thế cây xanh cho thấy tình yêu, trách nhiệm của người Hà Nội với thành phố, với việc chung vẫn luôn sâu đậm. Đó là chỗ dựa, là thế mạnh của Thủ đô Hà Nội./.

Nguyễn Mạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất