Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 19/4/2012 15:9'(GMT+7)

Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò

Giáo sư Dương Xuân Ngọc phát biểu tại hội thảo

Giáo sư Dương Xuân Ngọc phát biểu tại hội thảo

Tại buổi hội thảo, các nhà báo, giảng viên cùng các nhà nghiên cứu giáo dục đã cùng bàn luận về tác động của nền kinh tế thị trường, những tiêu cực của xã hội làm cho mối quan hệ thầy - trò có nhiều thay đổi và phức tạp hơn so với trước. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, không phải thầy, mà trò mới là chủ thể của giáo dục. Học sinh giờ đây không những được tự do tranh luận, trao đổi với nhau mà còn có thể trao đổi, chất vấn với thầy. Vì vậy, mối quan hệ thầy - trò cũng trở nên dân chủ, công khai chứ không còn áp đặt, một chiều như trước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó trưởng khoa Khoa Phát thanh - Truyền hình, mối quan hệ thầy trò hiện nay có những tác động tiêu cực; không ít trường hợp trò hỗn láo, cãi lại thầy, thể hiện thái độ tự do thái quá, trong khi thầy lại không được quát mắng, trừng phạt học trò. Nhiều hiện tượng như: “đổi chác”, “phong bì”, “gạ tình”, “chạy điểm, chạy trường”, “hành xử kiểu xã hội đen”… đang phản ánh một tình trạng đáng báo động về sự thoái hóa, lệch chuẩn của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, về sự “ô nhiễm” của môi trường giáo dục.

Tuy nhiên, không có nghĩa những chuẩn giá trị trong quan hệ thầy trò truyền thống đã thay đổi. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quan hệ thầy trò phải trong sáng, cao thượng, không vụ lợi và phải đạt tầm văn hóa- văn hóa thầy trò, quan hệ được xây dựng và hoàn thiện theo chuẩn mực: chân, thiện, mỹ. Ông khẳng định: “Dù thời cuộc đổi thay như thế nào thì thầy vẫn luôn là tấm gương sáng về đạo đức, tự rèn luyện và sáng tạo; học trò vẫn là người noi gương thầy, không ngừng phấn đấu, học hỏi”.

Việc xây dựng mối quan hệ thầy trò trong thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế là rất cần thiết. Việc làm này nhằm hướng đến một mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh ở giảng đường đại học với sự đồng thuận, xây dựng, chấp hành của cả sinh viên và giảng viên.

Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đưa ra những tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng mối quan hệ thầy trò trong thời kỳ hội nhập, bên cạnh điều kiện khách quan là gia đình và xã hội, người thầy phải là người có kiến thức chuyên sâu, có kỹ năng sư phạm, tâm huyết với nghề và đạo đức trong sáng, tốt đẹp. Đối với sinh viên, họ phải phấn đấu để trưởng thành cả về tư cách lẫn kiến thức. Họ cần lòng tự tin, khả năng lắng nghe, ham học hỏi và đặc biệt họ cần kinh nghiệm, sự hướng dẫn của những người thầy.

Trên cơ sở những tiêu chí đặt ra đối với thầy, trò, ngành giáo dục cũng như mỗi nhà trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò một cách rõ ràng. “Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò sẽ là một công cụ tốt, tạo khả năng minh bạch hóa các hành vi trong quan hệ thầy trò, đồng thời là khung tham chiếu giúp phát hiện các dấu hiệu tham nhũng trong giảng đường, nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục hiện nay”, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Phó trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất