Thứ Tư, 27/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 18/4/2012 19:45'(GMT+7)

Xây dựng văn hoá đọc cho học sinh

Các em học sinh đến đọc sách tại Thư viện xã Vĩnh Lợi huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng

Các em học sinh đến đọc sách tại Thư viện xã Vĩnh Lợi huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng

Nhu cầu đọc của học sinh trong thời kỳ “số hoá”

Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người. Trong thời đại bùng nổ thông tin, chúng ta không chỉ đọc trên sách báo in theo cách đọc truyền thống, mà thông tin trên mạng cũng thật đa dạng và tiện lợi. Ở các đô thị lớn, hệ thống quán hàng có mạng wifi không hiếm, chỉ cần 1 máy tính xách tay là mọi người có thể tìm thông tin dễ dàng (nếu đi xa không có wifi đã có Dcom3G). Thậm chí, khi không mang theo máy tính, người ta có thể truy cập thông tin nhanh qua điện thoại di động. Qua mạng internet, các cuốn tiểu thuyết, cuốn truyện “kinh điển” của các tác giả trong nước và thế giới cũng được tìm đọc dễ dàng. Thật tiện lợi.

Nhưng dù là sách in hay sách báo điện tử, chúng ta cũng cần xây dựng cho trẻ em thói quen đọc từ khi còn tuổi ấu thơ. Để tạo nếp đọc sách cho học sinh và cũng là để nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng, ngành giáo dục cần xây dựng văn hoá đọc cho trẻ em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Do những tiện lợi của thông tin số, trẻ em bắt kịp rất nhanh. Tuy nhiên nếu không có định hướng đúng đắn, các em rất dễ sa đà vào việc xem, đọc những trang không lành mạnh.

Xây dựng văn hóa đọc cho các em như thế nào?

Trước thời đại “số hoá”, người lớn chúng ta cần định hướng cho trẻ thế nào để giúp các em hình thành một văn hoá đọc lành mạnh?

Cần hướng dẫn trẻ cách khai thác kênh thông tin trên mạng internet: Ngày nay, cùng với sự bùng nổ thông tin trong thời đại “số hóa”, lớp trẻ ít đọc sách báo in hơn, nhưng lại ham truy cập thông tin trên mạng internet. Đây là một thực tế vì chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc sống số. Nhưng giúp các em khai thác như thế nào và đọc những loại sách gì thì chúng ta vẫn chưa chú ý lắm. Thầy cô giáo (đặc biệt cán bộ thư viện) có thể hướng dẫn các em cách tra thông tin trên mạng internet. Bởi khi cần đến một cuốn sách hay tài liệu nào, chúng ta có thể dễ dàng lấy trên mạng rất nhanh. Điều này hơn hẳn việc mất nhiều công đi sưu tầm tuyển chọn mua ở các cửa hàng sách in đang bán trên thị trường. Tuy vậy, nếu không kiểm soát các em rất dễ truy cập vào những văn hoá thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Bởi hiện nay, ngoài một số tờ báo mạng có uy tín cung cấp những thông tin “chuẩn”, vẫn còn nhiều những trang web “đen” thiếu lành mạnh. Mặt khác, mọi người có thể dễ dàng đưa thông tin lên mạng nên tất cả các thông tin trên mạng chưa chắc đã chuẩn hoàn toàn. Cần hướng dẫn các em kiểm chứng mức độ chính xác của thông tin vừa truy cập, nên vào các trang báo có uy tín, đáng tin cậy. Dù sách in hay sách báo điện tử, chúng ta cũng cần rèn cho trẻ em thói quen đọc hàng ngày, mà trường học là nơi hình thành thói quen tốt nhất từ khi còn tuổi ấu thơ.

Định hướng việc chọn sách cho trẻ em là bước đầu tiên, rất quan trọng. Dù sách in hay sách điện tử, chúng ta cũng cần định hướng cho các em cách chọn sách đọc. Nếu giúp các em chọn được những cuốn sách có nội dung lành mạnh, hình thức hấp dẫn thì sẽ giúp các em có hứng thú đọc sách hơn. Tuy nhiên với những trẻ em ở tuổi cấp tiểu học, nếu ngồi lâu trước màn hình máy tính để đọc sách điện tử rất dễ ảnh hưởng đến mắt sau này. Vì vậy ở lứa tuổi này, chúng ta nên tìm cho trẻ những cuốn sách in thể loại truyện tranh truyện cổ tích, truyện lịch sử hình thức hấp dẫn, nội dung lành mạnh. Một điều dễ nhận thấy là sách viết cho thiếu nhi hiện nay chủ yếu là truyện tranh nước ngoài. Những sách lịch sử, cổ tích, dân gian… còn quá ít. Để chọn được một cuốn sách ưng ý cho con trẻ, có những ông bố bà mẹ đã phải mất khá nhiều thời gian.

Với học sinh cấp THCS, người lớn cần định hướng cho các em đến với những cuốn sách văn học, sách tham khảo có tác dụng thật sự. Bởi hiện nay thị trường sách tham khảo đang “nở rộ”, thậm chí nhiều cuốn sách có kiến thức đã lạc hậu vẫn được bày bán công khai. Thầy cô giáo cần hướng dẫn học trò đến với những cuốn sách thực sự giúp ích cho việc học tập của các em.

Để tạo hứng thú đọc và hình thành thói quen đọc cho trẻ em, cần duy trì thói quen đọc trong mỗi gia đình. Hiện nay, ở một số gia đình (đặc biệt các gia đình có từ 3 thế hệ trở lên) vẫn duy trì được nếp cha mẹ (ông bà) đọc cho con cái nghe. Nội dung đọc, kể là các truyện cổ tích, dân gian, lịch sử, truyền thuyết có gắn với lịch sử…Điều này khiến các em ở độ tuổi mầm non chưa thể tự đọc sách rất thích thú. Nếu duy trì thói quen đọc trong gia đình, để thế hệ trước đọc cho thế hệ sau nghe sẽ duy trì thói quen ham hiểu biết của trẻ thông qua đọc sách báo ngay từ khi còn rất nhỏ. Từ đó, hình thành nếp đọc như một nhu cầu hàng ngày của các em. Lớn thêm chút nữa, khi đã biết tự đọc, các em sẽ có nhu cầu tìm thông tin cần thiết dù trên mạng hay trong sách báo in hàng ngày.

Trong nhà trường: Cần tăng cường phát triển hệ thống thư viện trường học, đảm bảo cho học sinh được sử dụng thư viện trường học như một công cụ học tập có hiệu quả. Bây giờ, mỗi trường học đều có cán bộ thư viện chuyên trách, nên việc đầu tư cho hệ thống thư viện trường học lại càng thuận lợi. Tuy nhiên, cán bộ thư viện cần thường xuyên giới thiệu sách mới đến học sinh, nhất là những cuốn sách gắn với giáo dục truyền thống, sách văn học, khoa học lịch sử, sách tham khảo.... Sử dụng mọi biện pháp thích hợp để giới thiệu và thu hút học sinh tìm đến thư viện một cách tự nguyện, tự giác tiếp cận với sách để tìm hiểu truyền thống và nâng cao văn hoá đọc cho các em ngay từ nhỏ. Một số nơi có điều kiện đã xây dựng hệ thống thư viện số. Cán bộ thư viện có thể giúp các em tra cứu thông tin dễ dàng trên mạng. Điều này tiết kiệm được thời gian và ngăn các em không truy cập vào các trang thiếu lành mạnh.

Tuy nhiên, với các trường ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, việc truy cập thông tin trên mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục điều này, một số trường học vùng nông thôn vẫn còn duy trì được nếp “Đọc báo Đội đầu giờ”. Những phong trào “học và làm theo báo Đội” vì thế đã được các em hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều tấm gương người tốt việc tốt được nhân lên, qua đó giúp các em hình thành nhân cách và lối sống trong sáng lành mạnh. Cũng chính bởi nguồn tài chính của các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn khó khăn nên mỗi lớp chỉ đặt mua được 1 số báo Thiếu niên. Đây là nguồn thông tin chủ yếu đến với các em. Có lẽ cũng vì thế mà giờ “đọc báo Đội” vào 15 phút đầu tiên trong ngày đã khiến không ít em hồi hộp chờ đợi. Có lớp còn lập ra một “ban bạn đọc” giúp các bạn luân chuyển sách báo cho nhau.

Trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng internet, khi cần tra cứu gì, chỉ cần một cú nhấp chuột vào Google là có ngay điều cần thiết. Internet thật tiện lợi , nhưng với trẻ em, nếu không kiểm soát, định huớng rất dễ truy cập vào những trang văn hoá thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Dù sách in hay sách báo điện tử, chúng ta cũng cần rèn cho trẻ em thói quen đọc hàng ngày, từ khi còn tuổi ấu thơ. Để tạo nếp đọc sách cho học sinh và cũng là để nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng, ngành giáo dục cần xây dựng văn hoá đọc cho trẻ em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng nếu chỉ riêng cố gắng của các thầy cô giáo, cán bộ thư viện trường học thì chưa đủ. Rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bậc phụ huynh học sinh và cán bộ ngành văn hoá thông tin thư viện để văn hoá đọc trong học sinh ngày một nâng cao./.

Nguyễn Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất