Việc đổi mới nội dung và phương pháp đào
tạo giáo viên được tiến hành đồng bộ sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp , thúc
đẩy sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công, bền vững, đáp ứng được yêu
cầu của xã hội và của ngành giáo dục.
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.
Hội thảo đã nhận được gần 100 báo cáo từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế . Các tham luận chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp từng bước nâng chuẩn nghề nghiệp của giáo viên theo đặc thù bộ môn, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Trương Thị Bích, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề chiến lược của mỗi quốc gia. Ba chủ đề chính được các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung thảo luận tại hội thảo lần này là: N âng cao chất lượng đào tạo giáo viên của các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục phổ thông; thực trạng và giải pháp phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phổ thông; vận dụng kinh nghiệm quốc tế để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa , hội nhập.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiện nay nhiều trường sư phạm chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác dạy nghề cho sinh viên. Cụ thể, chưa coi đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kiến tập, thực tập là hoạt động có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của sinh viên. Các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm vẫn mang tính hình thức, thời vụ, chưa có nh iều hoạt động hấp dẫn để hình thành kỹ năng sư phạm cơ bản cho sinh viên . Chương trình đào tạo giáo viên vẫn bộc lộ nhiều bất cập như: Nặng về lý thuyết, ít thực hành; còn khoảng cách khá xa giữa đào tạo ở trường sư phạm và thực tế giảng dạy ở trường phổ thông. Đặc biệt, việc thiết kế môn học theo hướng tích hợp đang được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều bậc học phổ thông, nhưng nhiều trường sư phạm lại chưa nhanh nhạy đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn.
Góp ý giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, các chuyên gia cho rằng: M ột trong những biện pháp quan trọng nhất, căn bản nhất là nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên có trình độ cao, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng, có đạo đức và tâm huyết với nghề. Giảng viên phải tích cực cập nhật các phương pháp dạy học tiên tiến nhằm giúp sinh viên đạt được kiến thức và kĩ năng phù hợp. Trong giảng dạy, giảng viên phải tích hợp được khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, am hiểu thực tế giáo dục ở trường phổ thông để bồi dưỡng cho sinh viên kiến thức sâu, nghiệp vụ sư phạm vững vàng.
Về chương trình đào tạo, cần đổi mới theo hướng tăng cường thực hành nghề. Nội dung chương trình đào tạo c ần điều chỉnh theo hướng cân đối đào tạo kiến thức chuyên môn và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, đảm bảo được mối quan hệ và tỉ lệ hợp lý giữa khoa học chuyên ngành với khoa học giáo dục , thực tiễn phổ thông. Các trường sư phạm cần tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên thường xuyên được tiếp cận , cập nhật với việc đổi mới dạy và học ở trường phổ thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; thu hút sinh viên tham gia một cách tích cực, chủ động và đạt hiệu quả cao.
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều thống nhất đánh giá: Việc đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo giáo viên được tiến hành đồng bộ sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp , thúc đẩy sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công, bền vững, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của ngành giáo dục./.
Việt Hà/TTXVN