Chủ Nhật, 22/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 22/9/2012 20:56'(GMT+7)

Cảnh giác với tin tặc

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Vừa qua, Đội cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) đã tìm ra nhóm đối tượng chuyên đánh cắp nick Yahoo để lừa đảo do Nguyễn Đức Bi (sinh năm 1996, ở Quảng Trị) cầm đầu.

Thủ đoạn của nhóm tội phạm trên là gửi đường link có chứa phần mềm gián điệp cho các chủ nick Yahoo để đánh cắp tài khoản. Lấy được nick, chúng giả mạo chủ nick vừa trộm được để lừa đảo những người trong danh sách bạn bè nhờ nạp giúp tiền vào điện thoại bằng việc gửi mã số thẻ cào.

Số tiền nhóm tin tặc chiếm đoạt không lớn và hậu quả cũng chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng sự việc trên là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của loại tội phạm phi truyền thống đang ngày một phổ biến và dần hình thành tổ chức. Trong khi số người dùng internet ở Việt Nam đã vượt 30 triệu người nhưng không phải ai cũng có nhận thức đầy đủ về nguy cơ là nạn nhân của tin tặc, đồng nghĩa với việc không có khả năng phòng ngừa mà vẫn vô tình là nạn nhân hoặc "tiếp tay" cho tin tặc. Một khi tin tặc đã vượt qua rào cản kỹ thuật phổ biến thì nguy cơ đánh cắp thông tin vô cùng nghiêm trọng với cá nhân và tổ chức.

Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của tin tặc dưới mọi hình thức để nâng cao cảnh giác; đồng thời, tăng cường bảo mật, nhất là với các trang web của các cơ quan nhà nước. Bởi hiện nay, với xu hướng tiến lên "Chính phủ điện tử", nhiều cơ quan đã đầu tư làm trang web, mạng thông tin nội bộ nhưng không chú trọng đầu tư vào công tác bảo mật mạng nên dễ dàng trở thành “con mồi” cho tin tặc tấn công.

Tin tặc ngày càng biến hóa khôn lường với những thủ đoạn tinh vi, chúng sẽ gây thiệt hại lớn đối với kinh tế-xã hội nếu đối tượng bị tấn công nhạy cảm như: Hệ thống mạng ngân hàng hoặc các dữ liệu an ninh-quốc phòng... Trong Bộ luật Hình sự nước ta, để truy tố tin tặc đã có các Điều 224, 225, 226 và một số điều luật khác khi cần truy tố với nhiều hơn một tội danh như thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) trong trường hợp phạm tội của nhóm Nguyễn Đức Bi.

Như vậy, vấn đề không nằm ở việc thiếu chế tài xử lý mà để chống tin tặc hiệu quả hơn nữa cần phải quyết liệt ngăn chặn, triệt phá tin tặc. Đồng thời, khi đã phát hiện, cần áp dụng hình phạt cao trong khung hình phạt mới có sức răn đe những kẻ tin tặc có ý định phạm tội trong tương lai. Với các cơ quan chức năng cũng cần lưu tâm xử lý cá nhân và tổ chức bao che hay cung cấp công cụ cho tin tặc.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền văn minh tin học-hậu công nghiệp, internet ngày càng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống, chống tin tặc là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết cùng quá trình phát triển. Nhiệm vụ này, nòng cốt là lực lượng cảnh sát công nghệ cao, nhưng không gì hiệu quả hơn mỗi người sử dụng internet không ngừng nâng cao trình độ, đề cao cảnh giác, tự bảo vệ mình./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất