Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 29/8/2011 16:11'(GMT+7)

Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quyết tâm trong thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn

 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trực tuyến.

Sau khi nghe báo cáo tham luận đánh giá tình hình thực hiện Quyết định trong 6 tháng đầu năm và phương hướng, biện pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khẳng định, những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Đề án đã tạo nên những chuyển biến cơ bản trong hoạt động của ngành, địa phương.

Tuy nhiên, trước thực tế còn có một số tỉnh, thành uỷ chưa ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án, một số tỉnh, thành phố chưa phê duyệt Đề án cấp tỉnh, hoặc nội dung còn chung chung, chưa xác định rõ nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn hoặc không đặt ra mục tiêu về tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo..., Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, rất cần sự quyết tâm triển khai của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cũng như sự vào cuộc của các đồng chí lãnh đạo cao nhất tại địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục đảm bảo 4 có, đó là, có Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã và chương trình hành dộng giai đoạn 2011-2015, có quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, điều tra hàng năm nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, có danh sách các cơ sở dạy nghề của tỉnh và các tỉnh giáp ranh cần huy động tham gia để dạy nghề cho địa phương, có chương trình dạy nghề và hỗ trợ việc làm trên địa bàn qua chương trình riêng về dạy nghề cho lao động nông thôn tiếp sóng qua truyền hình địa phương định kỳ trong tuần. Các địa phương cần đảm bảo 4 biết của người lao động nông thôn như: biết địa chỉ cơ sở dạy nghề thuộc nghề mình định học, biết nội dung và chính sách hỗ trợ của đề án qua các phương tiện thông tin và tờ thông tin gửi tới tận người dân ở xã, biết địa chỉ các cơ sở dạy nghề liên quan đến nghề mình muốn học và biết địa chỉ có thể làm việc sau khi học nghề và thu nhập khi làm việc.

Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội và các Bộ rà soát, đánh giá hiệu quả cơ chế quản lý tài chính để có điều chỉnh phù hợp. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm hoàn chỉnh hệ thống tiêu chí đánh giá và có báo cáo đánh giá khái quát hiện trạng triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án tại các địa phương...

Hội nghị xác định, 6 tháng cuối năm 2011, các cơ quan Trung ương ban hành Thông tư hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án cho đối tượng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, xã có liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tiêu chí giám sát, đánh giá Đề án. Các cơ quan hoàn thành xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, danh mục thiết bị dạy nghề và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và người dạy nghề cho lao động nông thôn. Cùng với hoàn thành, tổng kết các mô hình đang và đã triển khai, các cơ quan Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra giám sát tình hình thực hiện Đề án ở địa phương. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn thông qua các chuyên đề, chuyên mục trên cơ quan thông tin đại chúng; hoàn thành việc lập và tăng cường các điều kiện đảm bảo cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện, tăng cường huy động các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục khác; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tập trung ở địa bàn các xã nông thôn mới, các vùng chuyên canh, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện điểm, huyện nghèo xuất phát từ nhu cầu thực tế của lao động nông thôn và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, cần chú trọng hoàn thành có chất lượng việc biên soạn các bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đạt được yêu cầu nâng cao kiến thức năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ công chức xã đến năm 2015; tổ chức cho giảng viên nguồn của các trường, các trung tâm, học viện đào tạo, bồi dưỡng công chức của các Bộ, ngành tham gia xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đi đào tạo, nghiên cứu mô hình quản lý của chính quyền nông thôn ở một số nước để mở rộng tư duy, tầm nhìn, vận dụng vào công tác tập huấn đội ngũ giảng viên nòng cốt…

Trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 267.032 người theo chính sách của Đề án, đạt 53% kế hoạch năm, trong đó, 48,4% học các nghề nông nghiệp, 51,6% học các nghề phi nông nghiệp. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi: người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác chiếm 32,7%, đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo chiếm 10,6%, còn lại là đối tượng lao động nông thôn khác. Ngoài việc được dạy các kỹ năng nghề, một số lớp các học viên còn được trang bị các kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, các kỹ năng “mềm” khác như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tạo dựng các mối quan hệ cộng đồng, làng xóm… Một số lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, dịch vụ./.

Nguyễn Bích Thủy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất