Chủ Nhật, 29/12/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 29/1/2014 14:52'(GMT+7)

Hệ thống điện đủ năng lực cho phát triển năm 2014

Nâng cấp lưới điện. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Nâng cấp lưới điện. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trên cơ sở tính toán các phương án cung cầu điện cho năm nay, EVN nhận định nhu cầu có thể tăng cao hơn so với mức tăng của năm trước nhưng hệ thống điện vẫn đủ năng lực đảm bảo cho phát triển kinh tế và các nhu cầu xã hội của cả nước; trong đó, hệ thống truyền tải điện Bắc-Nam tiếp tục có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo điện cho miền Nam.

Luôn có công suất dự phòng


Điểm nhấn trong bức tranh của ngành điện năm 2013 là hệ thống điện luôn có công suất dự phòng. Điều này khẳng định, chưa năm nào ngành điện nói chung và EVN nói riêng lại có một năm ”yên bình” đến như vậy. 

Với tổng sản lượng điện sản xuất và mua trên 127,8 tỷ kWh, tăng 8,47% so với năm 2012, EVN đã không khó khăn gì khi đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong công nghiệp - xây dựng tăng 9,35%, chiếm 52,8% điện thương phẩm; cho tiêu dùng dân cư tăng 8,66%; chiếm 36,3%; Thương mại dịch vụ tăng 8,49%; Nông lâm ngư nghiệp tăng 21,1%...

Đánh giá về năm 2013, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh khẳng định: EVN đã hoàn thành sứ mệnh của Đảng và Chính phủ giao là đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với chất lượng ngày càng tốt hơn. Đến đầu năm 2014, t ỷ lệ hộ sử dụng điện trong cả nước đạt 98,32%. Đáng chú ý, Tập đoàn đã bán điện tới trên 2,18 triệu hộ nghèo và thu nhập thấp theo đúng chính sách hỗ trợ giá điện của Chính phủ. 

Hàng trăm thôn bản, phum sóc của đồng bào dân tộc tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La đã có điện trong năm 2013, đưa tỷ lệ số xã có điện trong cả nước tăng lên 98,63% và số hộ dân nông thôn được dùng điện tăng lên 97,26%.

Có được kết quả này theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn là do EVN đã điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện quốc gia bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các yếu tố thuận lợi về thuỷ điện và huy động hợp lý cơ cấu các nguồn phát điện.

Trên thực tế, các nguồn điện trên toàn quốc đã đáp ứng được cả về sản lượng và công suất. Trong đó, các nhà máy tuabin khí đã huy động tối đa từ đầu năm và được bổ sung nguồn cấp từ mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh. Các nhà máy nhiệt điện than vận hành ổn định hơn so với năm 2012 và chỉ giảm sản lượng phát trong các tháng mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 9.

Năm qua, công tác vận hành hệ thống truyền tải 500kV được đánh giá là khó khăn hơn năm trước. Do vậy, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia-NPT đã phải nỗ lực vận hành trong điều kiện nhiều đường dây và trạm biến áp trên hệ thống 500kV Bắc-Trung-Nam thường xuyên phải truyền tải cao như: đường dây Nho Quan-Hà Tĩnh-Đà Nẵng, Pleiku-Di Linh-Tân Định, Đăk Nông-Phú Lâm; các máy biến áp 500kV Phú Lâm, Tân Định và  Môn.

Trong cả năm, gần 20% nhu cầu phụ tải của hệ thống điện miền Nam được nhận từ hệ thống điện 500kV, với xu hướng truyền tải công suất chủ yếu theo chiều từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Riêng mùa lũ khu vực miền Trung-Tây Nguyên (từ tháng 9 đến tháng 12), hướng truyền tải theo chiều từ miền Trung ra miền Bắc và từ miền Trung vào miền Nam.

Chuẩn bị các điều kiện

Trong năm 2013, hệ thống điện đã được bổ sung năng lực phát điện thêm gần 2.500MW. Nhiều công trình lưới truyền tải và phân phối điện được đưa vào vận hành; trong đó có các dự án tăng cường truyền tải Bắc - Nam và chống quá tải một số khu vực trọng điểm. Mức nước tích được ở các hồ thuỷ điện vào thời điểm cuối năm 2013 đều đạt xấp xỉ mức nước dâng bình thường... Đây là những điều kiện cơ bản để EVN chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch sản xuất và cung ứng điện trong năm 2014.

Trên cơ sở nhận định tình hình cung cầu điện năm 2014, theo ông Phạm Lê Thanh, EVN xây dựng kế hoạch năm với chủ đề ”Tối ưu hoá chi phí và Điện cho miền Nam”. Theo đó, Tập đoàn thể hiện quyết tâm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giảm giá thành sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Đồng thời xác định trọng tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với một số dự án đầu tư quan trọng cấp điện cho miền Nam như nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4; các công trình lưới điện truyền tải đấu nối với các trung tâm nhiệt điện này; các dự án truyền tải và phân phối cấp bách khác ở miền Nam.

Ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng chủ đề mà EVN chọn không chỉ là nhiệm vụ của riêng của năm 2014 mà còn có ý nghĩa tạo ra những tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển của Tập đoàn các năm tiếp theo để thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ đặt ra.

Do đó, để đạt mục tiêu sản xuất và mua 140,5 tỷ kWh điện trong năm nay, tăng 9,9% so với năm 2013, đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội có thể tăng cao hơn, theo ông Đặng Hoàng An, EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam và các đơn vị phát điện khác tham gia thị trường điện đảm bảo nguồn phát cho hệ thống điện. Bên cạnh đó, duy trì mua điện từ Trung Quốc với sản lượng cả năm 2,46 tỷ kWh và giữ mức bán điện cho Campuchia ở công suất cao nhất 170MW.

Với trách nhiệm được giao, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia sẽ thường xuyên cập nhật các yếu tố về sản xuất điện và nhu cầu phụ tải, điều hành giao dịch thị trường phát điện đúng quy định. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phát điện, với NPT và các Tổng công ty Điện lực để có các phương án vận hành hiệu quả, an toàn, tin cậy hệ thống điện.

Đối với các Tổng công ty và Công ty phát điện, EVN yêu cầu xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tổ máy cũng như các thiết bị liên quan, đảm bảo các tổ máy sẵn sàng phát điện, đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.

EVN cũng yêu cầu các Công ty thủy điện làm việc cụ thể với chính quyền các địa phương vùng hạ du để phối hợp điều hành chống lũ năm 2014; đặc biệt sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước của các hồ thủy điện để phát điện trong mùa khô này và cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại các địa phương.

Riêng NPT có trách nhiệm vận hành an toàn các đường dây truyền tải và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc-Nam trong điều kiện phải truyền tải cao cho miền Nam. 

Hiện nay, ngoài hai hệ thống 500kV Bắc Nam mạch 1 và 2, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đang khép mạch vòng truyền tải từ Hòa Bình-Nho Quan-Thường Tín-Quảng Ninh-Hiệp Hòa-Sơn La-Hòa Bình và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ Phú Mỹ-Sông Mây-Tân Định-Phú Lâm-Ô Môn-Nhà Bè-Phú Mỹ. Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh nhấn mạnh: “Nếu chưa khép xong hai mạch vòng này thì hệ thống truyền tải cả nước vẫn chưa đảm bảo ổn định. Có thể hy sinh nguồn điện nhưng vẫn phải tập trung cho đấu nối truyền tải.”

Riêng về nguồn điện cấp cho miền Nam hiện có 8 dự án và 30 dự án lưới điện truyền tải. Trong đó, đường dây 500kV mạch 3 Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông phải cung cấp 500 triệu kWh và Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 phải cung cấp 600 triệu kWh cho miền Nam. “Đây là những dự án phải đặc biệt quan tâm cùng với những dự án chống quá tải. Bên cạnh đó là các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội”, ông Thanh nói.

Song song với việc theo dõi và cập nhật nhu cầu phụ tải trên địa bàn quản lý, các Tổng công ty và Công ty Điện lực sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về tình hình cung ứng điện và những giải pháp đảm bảo cấp điện trên địa bàn. Mặt khác, phải giải quyết nhanh gọn các thủ tục cấp điện cho các khách hàng mới, nhất là các khách hàng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất