Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Ba, 12/5/2015 16:29'(GMT+7)

“Cây đại thụ ngụ ngôn” Hồ Chí Minh

Bìa cuốn sách "Chất ngụ ngôn trong ngòi bút Hồ Chí Minh".

Bìa cuốn sách "Chất ngụ ngôn trong ngòi bút Hồ Chí Minh".

Các nhà nghiên cứu đi trước đều đã khẳng định tầm vóc kiệt xuất Hồ Chí Minh: Nhà văn hóa, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao… Nhưng riêng ở phương diện ngụ ngôn thì chưa có ai tập trung nghiên cứu hệ thống, đầy đủ, kỹ càng. Cuốn sách của Nguyễn Thanh Tú làm rõ hơn về Bác Hồ với những phẩm chất độc đáo được kết hợp một cách hài hòa: Sự nhạy cảm văn chương của một trái tim giàu yêu thương, sự sắc sảo của một lý trí tỉnh táo, sự uyên bác của một vốn kiến văn cực kỳ phong phú, và một phong cách văn chương hóm hỉnh mà sâu sắc, thâm thúy mà tinh tế… Nhờ vậy mà Người (cả trong tác phẩm và đời thường) luôn bật ra những ngụ ngôn rất hấp dẫn, sâu sắc, dí dỏm, đậm chất muối hài hước, lóng lánh sắc màu của triết lý phương Đông lẫn phương Tây, cả xưa cả nay, truyền thống và hiện đại.

Ngụ ngôn là dùng lời nói để gửi gắm một ý tứ xa xôi bóng gió nào đó. Đây là một trong những thể loại tự sự cổ xưa có tính giáo dục sâu sắc nên được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian, rồi được các nhà tư tưởng lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như: Ê-dốp, Phe-đơ-rơ, La Phông-ten, Trang Tử, Liệt Tử… cũng đều là các nhà tư tưởng. Ngụ ngôn là trí tuệ, là tư tưởng, là nhận thức nên nhìn vào ngụ ngôn của một dân tộc, có thể nhận thấy tầm tư duy, triết lý, cách suy nghĩ và cả tâm hồn của dân tộc đó. Ngụ ngôn không hề khô khan, nhờ được chuyển tải bằng một hình thức giàu chất thơ, được nâng trên đôi cánh của óc tưởng tượng sáng tạo nên ngụ ngôn khêu gợi, lôi cuốn, thu hút bạn đọc. Những nét đặc trưng của ngụ ngôn rất phù hợp với tâm hồn vĩ đại, trí tuệ trác việt của Hồ Chí Minh. Nói khác đi, Người tìm đến ngụ ngôn, lấy đó làm phương tiện trong sự nghiệp cách mạng như là một lẽ tự nhiên, đương nhiên vậy. Mục đích cầm bút của Bác là “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”, cho nên ngụ ngôn của Người luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Trong ngụ ngôn Hồ Chí Minh, chất văn chương hòa tan vào chất chính trị, nói chính trị mà rất văn chương.

Cuốn sách công phu, tâm huyết, tham khảo tư liệu rất rộng: Trước tác của Hồ Chí Minh (Hồ Chí Minh toàn tập, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử), các sách báo trong nước và ngoài nước (chủ yếu từ nguồn tiếng Hán, Pháp, Anh) viết về Người để chứng minh ngụ ngôn Hồ Chí Minh là ngụ ngôn chống thực dân đế quốc, chống lại những tư tưởng phản động đi ngược lại quyền lợi và hạnh phúc của con người. Đó là ngụ ngôn của hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới… Qua đó, bạn đọc có thể hình dung “cây đại thụ ngụ ngôn” Hồ Chí Minh cường tráng, lực lưỡng và luôn tươi mới nhờ cắm rễ rất sâu vào mảnh đất ngụ ngôn truyền thống cả phương Đông lẫn phương Tây, để hút những chất dinh dưỡng nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, vì thế mà ngụ ngôn của Người cổ điển, truyền thống, giản dị mà lại sâu sắc, tinh tế. Đồng thời cành lá sum suê của cây đại thụ ấy luôn vươn cao để quang hợp ánh sáng tư tưởng cách mạng của bầu trời văn hóa đương đại nên luôn tươi mát, thời sự. Hồ Chí Minh là hiện thân của sự tích hợp các giá trị nhân văn của cả dân tộc và nhân loại, truyền thống mà hiện đại, cổ điển mà mới mẻ. Ngụ ngôn của Người đã thể hiện sinh động những giá trị nhân văn ấy, do vậy có thể tìm thấy ở đó những tư tưởng lớn, những triết lý phổ quát, đồng thời có cả những bài học về cuộc sống, bài học về ứng xử, về giáo dục con người thật dễ hiểu mà sâu sắc, tinh tế.

Hầu như vấn đề nào của cuộc sống cũng được Hồ Chí Minh diễn đạt bằng ngụ ngôn, hầu như đối thoại với tầng lớp nào Người cũng dùng ngụ ngôn. Đối với kẻ thù, với cái xấu, cái ác, ngụ ngôn của Người là một thứ vũ khí vạch trần bản chất, là ánh sáng xua tan những thứ ngụy trang hào nhoáng giả tạo để làm trơ ra những gì là phản động, là đê hèn, xấu xa đáng lên án. Đối với đồng bào, đồng chí, anh em, ngụ ngôn của Người là phương tiện biểu lộ, giãi bày tình cảm chân thành, hồn hậu, rất đỗi hồn nhiên hóm hỉnh. Ngụ ngôn Hồ Chí Minh là tiếng nói của lẽ phải, lương tri và tình thương.

Tìm hiểu về chất ngụ ngôn Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ có thêm nhận thức mới về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại của văn hóa hôm nay: Càng hiện đại bao nhiêu càng phải truyền thống bấy nhiêu. Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đi trước thời đại, nhưng có khi lại được diễn đạt bằng hình thức ngụ ngôn quen thuộc đã có từ rất xưa trong truyền thống văn hóa dân tộc cũng như văn hóa nhân loại. Ở góc nhìn thể loại cho thấy ngụ ngôn so với các thể loại khác thì ít có sự biến đổi về mặt hình thức, nhưng tại sao vẫn được các nhà tư tưởng sử dụng và đọc ngụ ngôn của họ vẫn thấy mới mẻ, hấp dẫn.

Từ thực tiễn chất ngụ ngôn Hồ Chí Minh cho thấy hình thức cũ nhưng nội dung mới, nhất là nội dung ấy gắn liền với tình yêu tha thiết con người, với khát vọng độc lập tự do thì vẫn được coi trọng, sử dụng. Không phải ai cũng có thể sáng tạo được ngụ ngôn, phải là một tầm trí tuệ lớn, một vốn hiểu biết sâu rộng, một trái tim nhân hậu giàu yêu thương mới có thể có những ngụ ngôn đi vào lòng người và có giá trị văn hóa. Để có thể hấp dẫn tất cả mọi người, từ người ít học đến những bậc trí thức thì ngụ ngôn phải là trí tuệ, là sự hóm hỉnh hài hước, là tình cảm luôn đứng về phía lẽ phải, chính nghĩa. Chất ngụ ngôn Hồ Chí Minh sẽ mãi là tài sản tinh thần vô giá không chỉ của riêng dân tộc ta mà còn là của chung cho cả nhân loại./.

Nguyễn Văn Thành (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất