Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 7/5/2011 16:12'(GMT+7)

“Văn hóa ứng xử học đường" triển khai thí điểm tại 30 trường trên toàn quốc

Trước thực tế xuất hiện ngày càng nhiều những ứng xử không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam trong học đường như bạo lực, quay clip và tung lên mạng internet, “yêu sớm”, nghiện game online…gây hậu quả đau đớn, tâm lí hoang mang cho chính bản thân các em, gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều học sinh băn khoăn về cách ứng xử trong một gia đình có nhiều thế hệ, hiện tượng xưng “mày – tao” không thiện cảm trong nhà trường, vấn đề kiềm chế cảm xúc tức giận. Các em cũng chia sẻ những cách làm đơn giản nhưng hiệu quả để điều tiết cảm xúc bản thân, nhất là cảm xúc tức giận rất dễ xảy ra bạo lực học đường một cách tiện ích như: đi tắm, tránh giao tiếp với đối tượng một thời gian để cảm xúc trôi qua, tâm sự với bạn thân, gia đình, thầy cô...

Nhắc đến đạo lí “tôn sư trọng đạo”, kính trên nhường dưới vốn là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, Giáo sư, Nhà Văn hóa Trần Văn Khê nhắc nhủ học sinh phải ứng xử nhẹ nhàng, dùng lời nói và sự ôn hòa để giải quyết vấn đề chứ không phải là bạo lực. Trong đời sống hiện đại nhộn nhịp, thầy cô cũng như cha mẹ ít có thời gian để chăm sóc học sinh, con em mình. Điều đó rất dễ tác động xấu đến hành vi nhân cách của học sinh. Do vậy, học sinh phải suy nghĩ trước khi hành động chứ đừng hành động để rồi phải ăn năn, hối hận. Ứng xử đẹp thì sẽ đem lại hạnh phúc và sự thành công. Theo Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, cách để học sinh quản lí được cảm xúc chính là phải tự tin vào bản thân, hãy tự đặt mình vào vị trí bạn bè để hiểu và thông cảm hơn hành vi của họ, từ đó kiềm chế được cảm xúc, tránh dẫn đến những ứng xử đáng tiếc.

Bắt đầu từ tháng 5/2011 chương trình “Văn hóa ứng xử học đường” được tổ chức tại 30 trường THCS, THPT trên toàn quốc. Qua đó, Chương trình giúp các em nhận thức, biết cách điều tiết cảm xúc bản thân, tránh bạo lực học đường, thay đổi hành vi theo hướng tốt đẹp hơn, từ đó định hướng những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử học đường nói riêng và xã hội nói chung. Đồng thời hoạch định hướng đi cho học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời một cách tích cực và trang bị kiến thức sống cần thiết giúp các em hội nhập với cuộc sống hiện đại./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất