Chủ Nhật, 22/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 6/12/2012 21:8'(GMT+7)

“Chấm điểm” các bệnh viện

Bao giờ người dân sẽ thôi phải chờ đợi để được khám bệnh? (Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi Trung ương).

Bao giờ người dân sẽ thôi phải chờ đợi để được khám bệnh? (Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi Trung ương).

 

Thế nào là bệnh viện đạt chuẩn?

Cụ thể, Dự thảo tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Cục Khám chữa bệnh đưa ra gồm 35 tiêu chí, được chia thành các nhóm: nhóm tiêu chí liên quan đến người bệnh (người bệnh được gì), nhóm tiêu chí liên quan đến bệnh viện và người cung cấp dịch vụ (bệnh viện cần làm gì). Các tiêu chí được chia theo cấp độ từ thấp đến cao, mức 1-5.

Nếu bệnh viện có tiêu chí ở mức một và mức hai bị xếp loại chưa đạt yêu cầu; nếu bệnh viện về cơ bản đạt toàn bộ tiêu chí ở mức ba thì xếp loại chấp nhận được; còn bệnh viện không còn tiêu chí ở mức một, mức hai và có nhiều tiêu chí ở mức bốn và năm thì xếp loại chất lượng tốt và đang tiếp cận với chất lượng bệnh viện quốc tế.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam là thước đo sự nỗ lực phấn đấu của các bệnh viện nhằm phục vụ bệnh nhân. Định hướng của chất lượng dựa vào các yếu tố: an toàn, hiệu quả, hiệu suất, lấy người bệnh làm trung tâm, phục vụ người bệnh; tính tiếp cận phục vụ thuận lợi, công bằng, kịp thời.

“Trong bộ tiêu chí này có đến 11 tiêu chí liên quan đến người bệnh, có 5-6 nội dung không liên quan đến kinh phí, nhân lực như: Người bệnh đuợc chỉ dẫn rõ ràng; được đón tiếp chu đáo; được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ; được tôn trọng quyền riêng tư cá nhân; được nộp viện phí minh bạch… Những tiêu chí này hoàn toàn sát sườn, phụ thuộc vào mỗi y bác sĩ, không cần lệ thuộc quá nhiều vào tiền bạc và có khả năng thực hiện ngay được. Tuy nhiên các bệnh viện có chú trọng thực hiện các tiêu chí này hay không.” – ông Khoa nói.

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Cái khó nhất là sự hài lòng của người bệnh. Tại Việt Nam có nhiều yếu tố càng khó, như việc dư luận biến những thứ cá biệt thành phổ biến, cho rằng đạo đức ngành y tế xuống cấp, vấn nạn phong bì…”.

Bộ trưởng cũng cho biết, việc chấm điểm bệnh viện sẽ được thực hiện nghiêm túc để các bệnh viện tự ý thức được mức độ tốt - chưa tốt của mình để phấn đấu. Với cơ chế chấm điểm này, không chỉ bệnh viện tuyến Trung ương mới được chấm điểm là hạng đặc biệt, hạng I mà ngay tại các bệnh viện tuyến tỉnh chấm theo tiêu chí mà đạt thì cũng được gắn danh hiệu bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến huyện cũng có thể là bệnh viện hạng I. Ngược lại bệnh viện trung ương không làm đúng nhiệm vụ được phân công thì cũng không được xếp hạng là bệnh viện đặc biệt.

Đường đến “chuẩn” còn dài

Dựa trên bộ tiêu chí của Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa ra, ông Phan Bá Đào – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tự đánh giá: “Bệnh viện chúng tôi không đồng bộ, còn lộm cộm, có thể xếp ở mức hai. Chẳng hạn như có những tiêu chí trong phòng bệnh có internet, đến cán bộ viên chức còn chưa đáp ứng hết được chứ chưa nói đến bệnh nhân. Hoặc việc ứng dụng công nghệ thông tin như xếp số, hẹn khám, tư vấn từ xa cũng cần phải xây dựng kết cấu hạ tầng đầy đủ”.

Ông cũng cho rằng, tiêu chí chất lượng bệnh viện không thể đặt ra là có được ngay mà phải có sự cải tiến, thay đổi. Riêng bệnh viện Thái Nguyên sẽ tập trung tháo gỡ một số khó khăn, trong đó đầu tư ban đầu rất quan trọng.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Ngọc – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho rằng, mỗi cơ sở có những khó khăn khác nhau. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần phải có cơ sở vật chất tốt, trong khi sự quan tâm của nhà nước với tuyến tỉnh vẫn còn khiêm tốn, thu không đủ bù chi.

Dự thảo tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam dự kiến hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng thử nghiệm từ đầu năm 2013 ở tất cả các loại bệnh viện, đến năm 2014 – 2015 sẽ áp dụng để “đo” chất lượng các bệnh viện.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh hy vọng điều này sẽ thay đổi đột phá trong lĩnh vực khám chữa bệnh, đi vào thực chất. Các hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện, tổ quản lý chất lượng, phòng quản lý chất lượng bệnh viện cũng sẽ được thành lập và sẽ được quy định nhiệm vụ, trách nhiệm chặt chẽ.

Tuy nhiên, đường đến với “chuẩn” quốc tế các bệnh viện chắc chắn sẽ còn rất dài khi mà hiện nay chỉ có khoảng 10 – 15% bệnh viện áp dụng các biện pháp tiên tiến. Con số 500 bệnh viện xuất sắc toàn diện năm 2011 (tương ứng ½ số bệnh viện), một nửa còn lại loại… không xuất sắc có lẽ cũng cần phải sát thực tế hơn.

Lê Hạnh Nguyên/ND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất