Muốn đạt được hiệu quả thiết thực, việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân phải bằng từng việc làm cụ thể, những hoạt động đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thực hiện thường xuyên, liên tục.
Cùng với việc nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đời sống văn hóa tinh thần của người lao động (NLĐ) cũng rất cần được chăm lo hơn nữa.
Điều này không chỉ góp phần phát triển con người một cách toàn diện mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa người công nhân bắt nhịp với đời sống xã hội đang đổi thay từng ngày.
Là một trong những lực lượng lao động chính của xã hội, hằng ngày, hằng
giờ, những công nhân ở các nhà máy, xưởng sản xuất, công trường, trong
các khu công nghiệp, khu chế xuất đang miệt mài làm việc, tạo ra không
ít của cải vật chất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Thành quả mà họ được hưởng không chỉ là nguồn thu nhập phục vụ nhu cầu
của bản thân, gia đình mà yếu tố không kém phần quan trọng là những giá
trị tinh thần. Giờ phút giải lao, vui chơi sau ngày dài làm việc hay
hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp NLĐ cân bằng cuộc sống, tái tạo sức lao
động, hoàn thiện bản thân, nâng cao hơn nữa năng suất công việc.
Trong những năm qua, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước, việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân đã được quan tâm.
Các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn phối hợp với chính quyền địa
phương, doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục
thể thao dành cho công nhân cùng nhiều việc làm ý nghĩa trong dịp lễ,
tết.
Bên cạnh đó, ở một số khu công nghiệp đã hình thành khu vui chơi
giải trí, thư viện, tủ sách. Ngoài nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện
làm việc, công nhân cũng được hỗ trợ về nhà ở; nhà trẻ, trường học cho
con em; giúp đỡ lúc khó khăn, hoạn nạn...
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, những hoạt động này phần nhiều vẫn
mang tính chất đơn lẻ, chưa được phát triển rộng rãi, đời sống văn hóa
tinh thần của công nhân còn khá nghèo nàn. Rất nhiều công nhân sống
trong các khu nhà trọ tạm bợ với những vật dụng sinh hoạt tối thiểu.
Cường độ làm việc cao, cộng với nỗi lo cơm áo thường nhật khiến việc thụ
hưởng hoặc quan tâm đến yếu tố tinh thần của công nhân nhiều lúc bị sao
nhãng. Khi không có nền tảng tinh thần vững chắc, vốn sống, hiểu biết
đầy đủ, NLĐ sẽ dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội, tiêu cực, lối sống buông
thả...
Muốn đạt được hiệu quả thiết thực, việc chăm lo đời sống tinh thần cho
công nhân phải bằng từng việc làm cụ thể, những hoạt động đa dạng, phong
phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thực hiện thường xuyên, liên
tục.
Trước hết, mỗi doanh nghiệp cần xác định NLĐ là tài sản quý giá cho
phát triển của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp không thể chỉ chú tâm
đến lợi nhuận mà bỏ bê đời sống tinh thần, cần xem việc tổ chức hoạt
động văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cũng quan trọng như
phát triển, mở rộng sản xuất.
Để xây dựng thành công thiết chế văn hóa cho công nhân, yếu tố đầu tiên
cần có là cơ sở vật chất. Ngay từ quy hoạch và triển khai quy hoạch khu
công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương phải lồng ghép vào đó những
yếu tố cơ sở hạ tầng để hình thành thiết chế văn hóa, như nhà văn hóa,
trung tâm sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi giải trí...
Nguồn lực để
thực hiện vấn đề trên, ngoài đầu tư của Nhà nước rất cần sự quan tâm của
xã hội, sự quan tâm chăm lo của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, các
cơ quan, đơn vị dành kinh phí, tổ chức những chương trình bổ ích cho
công nhân.
Công đoàn các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội cũng cần nhân
rộng những mô hình hay, cách làm tốt như câu lạc bộ, đội văn nghệ hay
phong trào thể dục thể thao đến với nhiều NLĐ ở nhiều địa phương hơn
nữa.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cần chú trọng phổ biến kiến
thức, quy định pháp luật đến công nhân. Từ đó, giúp NLĐ nâng cao nhận
thức, hiểu rõ, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, đẩy lùi ảnh
hưởng tiêu cực, tệ nạn, xây dựng môi trường lao động lành mạnh. Đây cũng
là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến quá trình xây dựng nguồn
nhân lực chất lượng cao, đưa nước ta nắm bắt thành công cơ hội từ hội
nhập quốc tế và thành tựu cách mạng khoa học công nghệ hiện đại./.
Đỗ Mạnh Hưng (qdnd.vn)