(TCTG)- Hiện nay việc hành nghề và quảng cáo trong lĩnh vực khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam đang có chiều hướng phức tạp gây dư luận bức xúc trong xã hội.
Theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước hiện có 62 bác sỹ Trung Quốc đang tham gia hành nghề khám chữa bệnh bằng YHCT tại 54 cơ sở YHCT ở Việt Nam. Trong đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 23 người đã được cấp phép hành nghề tại 21 cơ sở thuộc 13 Công ty; trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 6 người đã được cấp phép hành nghề tại 4 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở do nước ngoài đâu tư 100% vốn theo Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Việc cấp phép cho thầy thuốc nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, theo Thông tư 07/2007/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn là thuộc thẩm quyền giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Nghị định 103/2003/NĐ-CP ngày 12/9/2003 của Chính phủ và Thông tư số 07/2007/BYT-TT ngày 25/5/2007 của Bộ Y tế đã qui định rõ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề của thày thuốc nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó về chuyên môn, thày thuốc nước ngoài phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được giao, có thời gian thực hành tối thiểu 5 năm hoặc đã được nước sở tại cấp phép hành nghề, lí lịch cá nhân rõ ràng, lý lịch tư pháp xác nhận không có tiền án tiền sự, có đủ sức khoẻ và đã được cấp phép lao động tại Việt Nam.
Những văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận và giấy tờ do nước ngoài cấp phải được hợp pháp hoá lãnh sự và dịch ra tiếng Việt theo qui định.
Những cơ sở có thầy thuốc nước ngoài hành nghề phải là những doanh nghiệp được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấp thuận bằng văn bản cho thuê lao động là thầy thuốc nước ngoài.
Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn để xét duyệt. Căn cứ đề nghị của Hội đồng tư vấn, giám đốc sở Y tế quyết định việc cấp phép.
Việc quảng cáo cho hoạt động khám chữa bệnh trên lĩnh vực này, theo Thông tư liên tịch của Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế hướng dẫn về việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế có quy định rõ: Vụ Y dược học cổ truyền tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký quảng cáo khám chữa bệnh bằng YHCT của các cơ sở có thầy thuốc nước ngoài hành nghề. Các cơ quan thông tin đại chúng chỉ đăng tải những nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế đã được Bộ Y tế chấp thuận.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều Phòng chẩn trị y học cổ truyền có thầy thuốc Trung y Trung Quốc tham gia hành nghề đã quảng cáo không trung thực, quá phạm vi chuyên môn cho phép, đồng thời còn sử dụng cả hình thức người bệnh cám ơn để quảng cáo cho mình. Có hiện tượng thầy thuốc hành nghề không phép, vi phạm qui chế chuyên môn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như: Chỉ ghi đơn thuốc bằng tiếng nước ngoài, khám qua loa đại khái, hù doạ người bệnh (bệnh nhẹ thì nói là bệnh nặng để người bệnh sợ mà phải chữa), sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, ép người bệnh phải mua hàng tháng thuốc với số tiền lên đến hàng chục triệu để rồi ''tiền mất tật mang''...
Trước những biểu hiện tiêu cực trên, ngày 05/11/2009, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với các Vụ, Cục có liên quan và Sở Y tế thành phố Hà Nội nhằm chấn chỉnh công tác quản lý hành nghề khám chữa bệnh bằng YHCT của người nước ngoài tại Việt Nam. Và sau đó đã có có công văn số 7801/BYT-YDCT gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu khẩn trương thực hiện một số biện pháp sau:
- Rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh công tác xét duyệt cấp giấỳ phép hành nghề y học cổ truyền tại địa phương;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề, phát hiện kịp thời những vi phạm và xử 1ý nghiêm theo qui định hiện hành. Bộ Y tế đề nghị khi kiểm tra cần đặc biệt quan tâm kiểm tra việc thực hiện các quy chế chuyên môn; việc niêm yết giá thuốc, giá khám bệnh và thực hiện theo đúng giá niêm yết; nếu thày thuốc nước ngoài khám và ghi đơn thuốc bằng tiếng nước ngoài thì đơn thuốc đó phải được dịch ra tiếng Việt; không được sử dụng thuốc thành phẩm không rõ nguồn gốc, nếu cơ sở tự sản xuất thì phải báo cáo với Sở Y tế và được Sở Y tế cho phép theo qui định; việc mua thuốc để điều trị nhiều ngày hay ít ngày tuỳ thuộc vào khả năng của người bệnh, thày thuốc không được ép.
- Sở Y tế báo cáo và đề nghị với Ban Tuyên giáo, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương chỉ đăng tải quảng cáo cho các cơ sở khám chữa bệnh đúng những nội dung đã được ngành y tế cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Vụ Y dược cổ truyền phối hợp với Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ tổ chức kiểm tra, thanh tra việc quản lý hành nghề khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền của các cơ sở có yếu tố nước ngoài, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này./.