Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 5. Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 gồm 9 chương và 91 điều, tăng thêm 1 chương (chương quy định về điều kiện đảm bảo cho công tác khám bệnh, chữa bệnh) và 10 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật và giải quyết khiếu nại, tố cáo của người bệnh; các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với những chỉnh sửa trong Dự thảo và cho rằng luật đã khá hoàn chỉnh, có thể xem xét thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cụ thể chưa thống nhất. Đại biểu Phan Trọng Khánh (đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến, tại khoản 1, Điều 41 quy định các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa và hình thức bác sỹ gia đình; Phòng chẩn trị y học cổ truyền; Nhà hộ sinh; Cơ sở chẩn đoán; Cơ sở dịch vụ y tế; Trạm Y tế cấp xã và tương đương; Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác tuy nhiên không thấy quy định về hệ thống giám định y khoa. Đại biểu kiến nghị cần đưa nội dung này vào dự thảo Luật.
Đối với các quy định về cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (đoàn Bình Định) cho rằng quy định như trong dự thảo Luật chưa thể hiện sự quyết tâm nâng cao chất lượng của các cơ sở khám chữa bệnh - điều được đông đảo cử tri quan tâm ở dự thảo luật này.
Đại biểu Bùi Thị Hoà (đoàn Đắc Nông) đề nghị quy định việc khám chữa bệnh cho người nước ngoài trong luật. Đại biểu cho rằng, trong xu thế hội nhập hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam học tập, công tác, du lịch, kể cả mục đích chữa bệnh. Đặc biệt ở tỉnh Đắc Nông, thường xuyên có nhân dân Campuchia sinh sống tại các tỉnh biên giới sang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của tỉnh. Với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, các cơ sở y tế của tỉnh luôn tận tình khám chữa bệnh cho họ, tuy nhiên trong luật không có quy định về nội dung này nên trong quá trình khám chữa bệnh xuất hiện nhiều tình huống khó xử lý. Đây là thực tế đã diễn ra và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh. Trong khi Dự thảo Luật đã có quy định về người nước ngoài đến hành nghề khám chữa bệnh ở Việt Nam và có quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người nước ngoài ở các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Sẽ là không đầy đủ nếu không quy định người bệnh là người nước ngoài được khám chữa bệnh ra sao, thủ tục giải quyết thế nào bởi nếu quy định thủ tục khám chữa bệnh cho người nước ngoài cũng tương tự như người dân trong nước sẽ rất khó áp dụng trong thực tiễn đặc biệt khi có rủi ro xảy ra.
Về quy định thẩm quyền cấp chứng chỉ và giá trị của chứng chỉ hành nghề, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có luồng ý kiến đề nghị Bộ Y tế chỉ quy định tiêu chuẩn quốc gia và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc cấp chứng chỉ hành nghề, còn Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế trên địa bàn và chứng chỉ có giá trị toàn quốc. Có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế ở cơ sở y tế do Bộ Y tế quản lý và cá nhân người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh (KCB) tại Việt Nam; Giám đốc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế và chứng chỉ có giá trị toàn quốc.
Cũng có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ, Giám đốc Sở Y tế cấp cho y sỹ, y tá. Có ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng y khoa để cấp chứng chỉ hành nghề KCB cho cán bộ y tế trong toàn quốc và giải quyết khiếu nại liên quan đến hành nghề. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất tiếp thu loại ý kiến thứ hai, vì thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề là vấn đề quan trọng phải được quy định cụ thể trong Luật và đã cho chỉnh sửa như quy định tại Điều 25, 26 và Điều 28 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung và làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, đó là quản lý thống nhất việc cấp mới, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước tại khoản 1 Điều 5; đồng thời, cũng quy định đến ngày 1/1/2016, tất cả các đối tượng đang tham gia khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào thời điểm Luật này có hiệu lực phải có chứng chỉ hành nghề (khoản 6, Điều 25).
Chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục./.
Theo VOVNews