Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 19/11/2009 9:12'(GMT+7)

“Chẳng lẽ bó tay với chạy chức, chạy quyền!”

Đại biểu Lê Văn Cuông: "Bệnh di căn mà Bộ trưởng chỉ cho thuốc cúm sao chữa được?"

Đại biểu Lê Văn Cuông: "Bệnh di căn mà Bộ trưởng chỉ cho thuốc cúm sao chữa được?"

 Đại biểu “nổi tiếng” về chất vấn chạy chức, chạy quyền Lê Văn Cuông lại tiếp tục “bùng nổ" với chủ đề này trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, chiều 18/11.
 
Có tình trạng thương mại về công tác cán bộ?
 
Đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng, cách đây 2 năm ông đã chất vấn chạy chức, chạy quyền, chạy việc… nhưng đến nay tình hình chưa giảm mà còn gia tăng. “Có người nói đầu tư cho chạy chức đang được coi là “siêu lợi nhuận”, xin Bộ trưởng cho biết thực tế và giải pháp”, đại biểu Cuông chất vấn

Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, công tác cán bộ được tiến hành theo qui trình chặt chẽ và đại bộ phận cán bộ do cấp ủy các cấp đề đạt đều đúng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành, địa phương, đất nước trong giai đoạn vừa qua.
 
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện trong dư luận còn tình trạng chạy chức, chạy quyền. Để khắc phục, công tác cán bộ phải thực hiện theo đúng qui trình của Đảng và đây là biện pháp xuyên suốt, các cấp đều phải làm.
 
“Tôi  thấy Bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung tôi cần hỏi. Tôi muốn hỏi có hay không tình trạng đó, mức độ như thế nào và trách nhiệm của Bộ trưởng? Căn bệnh đã di căn, Bộ trưởng chỉ cho liều thuốc cúm, làm sao chữa được?”, đại biểu Cuông gay gắt.
 
Bộ trưởng Tuấn tỏ ý tán thành với đại biểu. Ông Tuấn cho biết, tại kì họp cách đây chưa lâu, BCH Trung ương nhận định, tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn có xu hướng gia tăng.
 
Về khắc phục, ông Tuấn cho rằng, phải làm đúng qui trình, từ việc qui hoạch, đánh giá, chăm lo, bồi dưỡng đào tạo đến việc đề bạt khách quan, trên cơ sở tập hợp ý kiến dân chủ của nhiều người.
 
“Nhưng làm thế nào để chấm dứt tình trạng đại biểu nói là việc rất khó, đòi hỏi cả hệ thống vào cuộc”, ông Tuấn phân tích.
 
Lần thứ ba đứng dậy, đại biểu Cuông chia sẻ sự khó với Bộ trưởng Tuấn, nhưng theo ông “chẳng nhẽ lại bó tay”. Ông “mách nước” cho Bộ trưởng những sáng kiến của nhân dân như như lựa chọn nhiều ứng cử viên. Các ứng viên có chương trình hành động để làm cơ sở lựa chọn, chứ không quyết “tù mù”…
 
Bắt tiếp “nhịp” của đại biểu Cuông, đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) đặt vấn đề, chạy chức chạy quyền phải chăng là tình trạng thương mại về công tác cán bộ trong bộ máy nhà nước. “Bộ trưởng nói vấn đề này khó thì nói rõ khó ở chỗ nào?”, đại biểu Phước chất vấn.
 
Ông Tuấn cho rằng, khó ở chỗ, người chạy chức tiếp xúc trao đổi, cơ quan tổ chức không biết và người ủng hộ chạy chức cũng tìm cách nói ưu điểm của người đi chạy với tổ chức. Thêm nữa, việc đề bạt cán bộ phải làm nhiều bước và việc đảm bảo tất cả những yếu tố trong qui trình đó cũng là khó.
 
Đại biểu Phước chưa hài lòng, bởi theo ông, việc “đi đêm” không ai báo cáo với Bộ trưởng. Vấn đề ông cần là ở chỗ, tình trạng đã kéo dài khá lâu, nhưng tại sao không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
 
Bộ trưởng Tuấn lí giải, chúng ta có cơ chế xử lí, như có qui định cụ thể về qui chế công tác cán bộ, có Luật Phòng chống tham nhũng, nhưng vấn đề là… phát hiện được các vụ việc.
 
1/3 đội ngũ cán bộ có cho vui, nhiều khi còn gây rối?
 
Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Trần Văn Tuấn chỉ ra cơ sở khoa học để định chỉ tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm 2010. Cắt giảm liệu có "hổng" - đại biểu băn khoăn.
 
Bộ trưởng Nội vụ trình bày, tỷ lệ cắt giảm này được xác định khi lấy ý kiến một số cơ quan như hải quan, thuế đều xác nhận có thể giảm được trên 30% thủ tục, giấy tờ.
 
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trao đổi thêm bên lề Quốc hội.
 
“Nhưng cắt giảm thủ tục không có nghĩa là cứng nhắc mà phải làm rõ được cái nào cần giảm, cái nào không, thậm chí có cái phải tăng để tránh tình trạng cắt bớt là lỏng lẻo, dẫn đến sai phạm” - ông Tuấn nói.
 
Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) đặt vấn đề, chương trình tổng thể cải cách hành chính 2001 - 2010 chọn khâu đột phá là cải cách thủ tục nên đưa ra chỉ tiêu cắt giảm như vậy. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật của cán bộ công chức còn yếu. Sao không chọn khâu tổ chức cán bộ làm đột phá?
 
Bộ trưởng Nội vụ gật đầu xác nhận, câu hỏi của đại biểu cũng là một gợi ý.
 
Câu trả lời của người đứng đầu ngành nội vụ không làm đại biểu Phước hài lòng. Ông “phê” Bộ trưởng chưa đi vào bản chất vấn đề. Nguyên nhân thủ tục hành chính ì ạch chính là do trình độ đội ngũ cán bộ, thái độ với công việc. Ông Phước đánh giá, vì lý do đó nên chọn cải cách thủ tục đã 9 năm, “làm hoài mà nó vẫn cứ ì ạch”.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “đỡ lời” thêm cho người đồng cấp: “Chọn cải cách thủ tục làm đột phá vì thủ tục hành chính qua nhiều năm bị dân kêu quá. Thủ tục qua nhiều thời kỳ quá rườm rà, bùng nhùng, phức tạp”.
 
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng phân trần: “Người làm công tác tổ chức cán bộ như tôi thì đương nhiên rất muốn tập trung vào công tác tổ chức. Nhưng tôi thấy lựa chọn của tập thể đúng vì muốn cải cách hành chính mà không thực hiện cải cách thủ tục thì rất khó”.
 
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) bắt ngay vào vấn đề chất lượng cán bộ công chức mà đại biểu Phước đã “khơi” ra. Ông Lợi khái quát: “Cách đây 20 năm, chúng ta đánh giá, khoảng 30% công chức không đảm bảo yêu cầu. Đến giờ, công vụ vẫn trì trệ, tiêu cực tham nhũng vẫn tăng lên. Có người đánh giá đội ngũ cán bộ công chức 1/3 thì làm cật lực, 1/3 chỉ đâu làm đấy còn 1/3 thì có cho vui mà nhiều khi còn hay gây rối. Khi nào chúng ta quyết tâm giải quyết?”.
 
Bộ trưởng Nội vụ lại “gật đầu”, trình độ cán bộ công chức thực tế có 1 bộ phận rất yếu. Còn tỷ lệ 1/3 như đại biểu nêu, ông Tuấn “cáo” chưa có điều kiện khẳng định đúng sai vì kết quả phân loại công chức hàng năm, cơ sở vẫn luôn tự đánh giá trên 90% cán bộ công chức hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cấn Cường - Phương Thảo - Báo Dân Trí
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất