Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 19/11/2009 8:14'(GMT+7)

Góc nhìn công bằng hơn về thủy điện

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội sáng 18/11.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội sáng 18/11.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ thứ 3 trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp này.

Nhìn nhận toàn diện hơn về các dự án thủy điện

Trả lời chất vấn về ý kiến cho rằng, việc xây dựng các nhà máy thủy điện đã gây ra những tác động xấu tới môi trường, gây ra tình trạng lũ lụt làm thiệt hại nghiêm trọng tới tính mạng và tài sản của người dân, nhất là người dân miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một lần nữa khẳng định mục đích của việc phát triển công nghiệp điện nói chung và thủy điện nói riêng là nhằm khai thác nguồn điện năng để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của dân cư; chống lũ lụt, hạn hán…

Các công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ đều được triển khai trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Ngoài quy hoạch chung theo Tổng sơ đồ Điện VI, chúng ta còn có quy hoạch riêng đối với thủy điện. Tất cả đều được thực hiện theo sự phân cấp rõ ràng.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Bộ, ngành địa phương trong công tác quy hoạch và phát triển các dự án điện. Đối với 35 địa phương có quy hoạch điện, Bộ Công Thương cũng thường xuyên kiểm tra về vấn đề bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo an toàn hoạt động cho các nhà máy thủy điện.

Với những lý do trên, đặc biệt là với tính năng của thủy điện, không gây hiệu ứng nhà kính và trong điều kiện các nguồn năng lượng khác đang dần cạn kiệt, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Việc phát triển thủy điện ở miền Trung vừa cung cấp điện năng vừa góp phần quan trọng vào việc cân đối nguồn nước cho vùng hạ lưu; chống hạn hán…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, nếu cho rằng phát triển thủy điện ở nước ta và miền Trung nói riêng gây tác động xấu tới môi trường sinh thái, lũ lụt là không thỏa đáng. “Chúng ta cần có cái nhìn công bằng đối với quy hoạch và phát triển thủy điện”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Hiện nay trong số hơn 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên toàn quốc, miền Trung có 335 dự án; một số dự án thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung đã đi vào hoạt động và được đánh giá có nhiều tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực này.

Trận lũ bão lịch sử số 11 vừa qua ảnh hưởng tới các tỉnh miền Trung, theo đánh giá, hàng trăm năm qua mới xảy ra. Phú Yên là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 11 nhưng không thể đổ lỗi là do công trình thủy điện Ba Hạ và các công trình thủy điện khác ở miền Trung.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ chức năng để tiếp tục duy trì, rà soát trong quy hoạch và phát triển thủy điện; đảm bảo hạn chế tối đa các tiêu cực phát sinh tới môi trường sinh thái và đời sống cư dân do các công trình thủy điện gây ra…

Đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên) đặt vấn đề, hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn tham gia triển khai xây dựng các dự án thủy điện có phải là do đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao và các doanh nghiệp này mục đích lớn nhất là theo đuổi mục tiêu lợi nhuận?

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, quan điểm như trên cũng có phần chưa công bằng, bởi hầu hết các dự án thủy điện đều nằm ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ...

Về tiến độ triển khai các dự án điện theo Tổng sơ đồ Điện VI, theo chất vấn của một số đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có chậm tiến độ so với mục tiêu đã đề ra. Trong tình hình đó, Chính phủ đã điều chỉnh và chỉ đạo kịp thời bằng cách chuyển giao cho một số đơn vị như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà… thực hiện một số dự án điện và đã yêu cầu các ngân hàng tạo điều kiện về tài chính cho các đơn vị này triển khai thực hiện. Do đó tiến độ triển khai một số dự án điện trong Tổng sơ đồ Điện VI đã có những cải thiện rõ rệt. Mùa khô năm 2009 khả năng cung cấp điện sẽ không khó khăn như mùa khô năm 2008.

Xây dựng chính sách bình ổn giá lúa gạo

Theo đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), hiện nay nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, bị tư thương ép giá… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng  thừa nhận một số tồn tại trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách bình ổn giá lúa gạo trên thị trường để trình Chính phủ thông qua và sẽ được triển khai thực hiện từ đầu năm 2010.

Bộ cũng đang xây dựng Nghị định thay thế các quy định về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo hiện hành theo hướng chặt chẽ hơn; coi hoạt động xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với các quy định cụ thể và rõ ràng.

Với việc tích cực hoàn thiện chính sách quản lý và điều hành, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo của nông dân sẽ dần đi vào ổn định; hạn chế tình trạng tư thương ép giá gây thiệt thòi cho người nông dân…

Chú trọng chiến lược phát triển thị trường nội địa

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thực hiện tốt hơn nữa một số nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương, như tiếp tục phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa trong nước nhằm phát huy lợi thế về thị trường tiêu thụ rộng lớn với trên 86 triệu dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị Bộ Công Thương thực kiên quyết các biện pháp không nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được; đảm bảo quản lý tốt các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát, tháo gỡ những bất cập trong quy hoạch và phát triển thủy điện…

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất