Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 23/2/2011 21:30'(GMT+7)

Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Vũ Xuân Thành: Chấn chỉnh xu hướng ban phát vật phẩm

Ông Vũ Xuân Thành.

Ông Vũ Xuân Thành.

Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, số lượng các lễ hội dường như không đổi, tại sao chúng ta lại có cảm giác ngày càng có nhiều lễ hội hơn?

Ông VŨ XUÂN THÀNH: Theo thống kê sơ bộ, có hơn 8.000 lễ hội, trong đó có khoảng 5.000 lễ hội làng xã nhưng thực tế có thể hơn thế. Những năm gần đây, số lượng các lễ hội mới được ghi nhận là rất ít, song sở dĩ chúng ta cảm giác ngày càng nhiều lễ hội hơn là do một số nguyên nhân. Thứ nhất là thông tin về lễ hội được các phương tiện truyền thông quan tâm hơn; thứ hai là do quy mô lễ hội ngày càng được tổ chức lớn hơn, trang trọng hơn; thứ ba là do nhu cầu về tâm linh, người ta “thổi hồn” khiến quy mô và tầm ảnh hưởng được nhân rộng.

Có ý kiến cho rằng việc các lễ hội truyền thống phát triển với quy mô ngày càng lớn như hiện nay phần nhiều là do sự thương mại hóa lễ hội?

Ông VŨ XUÂN THÀNH: Việc coi lễ hội như một hình thức thu lợi cũng là một nguyên nhân khiến quy mô lễ hội “phình” lên nhanh chóng. Du khách đông khiến dịch vụ phát triển, nguồn thu của người dân và địa phương cũng nhờ đó mà tăng lên nhanh chóng chính là một động lực khiến các lễ hội được quan tâm và đầu tư hơn.

Như ở đền Củi, Hà Tĩnh, số tiền nộp vào ngân sách mỗi năm một tăng, giờ đã vượt quá 400 triệu đồng/năm. Tiền nộp ngân sách địa phương của đền Sóc, Hà Nội chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay cũng vượt quá 800 triệu đồng.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ vì tại nhiều địa phương chưa xây dựng quy chế quản lý rõ ràng về tiền công đức, tiền giọt dầu, tuy nhiên nguồn thu khổng lồ từ tiền “giọt dầu”, tiền công đức cũng góp phần làm cho bản chất của lễ hội truyền thống thay đổi.

Tại lễ phát lương trong lễ hội Đức Thánh Trần (ở Đền Trần Thương, Hà Nam), với 20.000 đồng góp công đức, mỗi người sẽ được nhận một túi lương may mắn.

Có ý kiến cho rằng tình trạng quá tải lễ hội cũng do hiệu ứng tâm lý đám đông?

Ông VŨ XUÂN THÀNH: Trong xã hội ta hiện nay có một số diễn biến tâm lý hoặc quan niệm khập khiễng, không có cơ sở nhưng vẫn tin, vẫn theo. Ví dụ như câu nói cửa miệng “đi ngược về xuôi” chẳng biết tự bao giờ được giới doanh nghiệp coi đó là “phương châm” để đi lễ đầu năm. Vì thế, họ nô nức rủ nhau đi lễ miền ngược như Lạng Sơn, Cao Bằng trước, sau đó mới về đồng bằng. Hiện tượng đốt đồ mã, xin lộc cầu may cũng nảy sinh từ chính tâm lý này. Cùng với đó, hiệu ứng tâm lý đám đông thường thấy ở các lễ hội ngắn ngày như hội Lim, lễ khai ấn Đền Trần…

Hiện tượng ban phát các vật phẩm như ban ấn, ban túi lương, cành lộc… đang có chiều hướng phát triển tại nhiều lễ hội ở miền Bắc. Quan điểm của Bộ VH-TT-DL như thế nào về vấn đề này?

Ông VŨ XUÂN THÀNH: Việc ban phát các vật phẩm trong các lễ hội có hay không phải tùy thuộc vào bản chất và lịch sử của các lễ hội đã từng có truyền thống ban phát vật phẩm như thế trước đây không? Mỗi lễ hội có một lịch sử khác nhau, quy mô, cách thức tổ chức ở mỗi địa phương cũng vì thế mà khác nhau.

Trong mỗi trường hợp cụ thể, cần có những nghiên cứu, có hội thảo phân tích thấu đáo hành vi đó có đúng với lịch sử không và quan trọng hơn cả là hành vi đó còn phù hợp và có tác dụng tốt trong cuộc sống hiện tại không... Sau khi trả lời thỏa đáng những câu hỏi đó mới có thể đưa ra các giải pháp hợp lý với từng trường hợp lễ hội cụ thể là nên khôi phục hay chưa nên khôi phục các hoạt động, các nghi lễ nào đó.

Tục “cướp hoa tre” lấy lộc trong lễ hội Gióng tại đền Sóc với mong muốn đem lại may mắn đầu xuân.

Thực tế, hiện tượng cây “lộc” có cài một số vật phẩm như lúa, gạo hay bật lửa, diêm… đã xuất hiện ở một số nơi trong những ngày đầu xuân và coi như là vật để lấy may. Nhưng chỉ từ khi việc khai ấn và phát ấn Đền Trần - Nam Định được tổ chức quy mô lớn thì xu hướng ban phát “vật phẩm” bắt đầu phát triển. Nếu như hoạt động này bị “lợi dụng” để làm kinh tế, cần phải có ngay biện pháp ngăn ngừa tránh ảnh hưởng tới hình ảnh của lễ hội truyền thống./.
 

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái: Cần phối hợp chặt giữa chính quyền với nhân dân

Lễ hội của Việt Nam nhiều và rất phong phú. Đây là kho tàng văn hóa khổng lồ, thể hiện bề dày văn hóa hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà chúng ta có được và phải trân trọng, gìn giữ. Lễ hội đã phát huy được mặt tốt là tạo được sự đoàn kết của người dân, sự trân trọng của người dân với những người có công với làng xã, địa phương, đất nước, giáo dục giới trẻ truyền thống văn hóa anh hùng của dân tộc. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan như sự phát triển quy mô lễ hội nhanh trong khi vị trí, diện tích của các di tích, đền chùa lại có hạn nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức lễ hội.

Có quan điểm cho rằng, lễ hội của dân hãy giao cho dân tự tổ chức. Song thực tế, với những lễ hội có quy mô lớn, nếu không có sự tham gia của chính quyền trong công tác đảm bảo trật tự, an ninh, phòng chống cháy nổ thì khó có thể thực hiện được. Vì vậy, bản chất lễ hội giao cho nhân dân là đúng nhưng luôn cần sự phối hợp, giúp đỡ của hai bên.

TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Tạo chuyển biến trong suy nghĩ người dân

Lễ hội đang bị thương mại hóa có nguyên nhân do giới truyền thông và một bộ phận quan chức. Cần phải có thời gian để tạo ra sự chuyển biến trong suy nghĩ của người dân. Truyền thông dồn vào nói nhiều chuyện lễ hội. Việc các quan chức đến tham dự lễ hội này, thắp hương ở đền miếu nọ cũng tạo nên tâm lý “sính” lễ hội của người dân.

Chúng ta nên bớt nói về lễ hội, hoặc nói về lễ hội thì hãy nói những chuyển biến tích cực như chuyện Đền Trần ở Hưng Hà (Thái Bình) năm nay đã không tổ chức lễ khai ấn để “đua” với Nam Định như năm trước. Họ không tổ chức lễ khai ấn nhưng người dân vẫn đến tham dự rất đông. Như vậy là ban tổ chức đã tiếp thu những ý kiến góp ý và điều chỉnh đúng để lễ hội trở về đúng giá trị ban đầu của nó.

(Theo: Vĩnh Xuân/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất