Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 8/3/2009 21:24'(GMT+7)

Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3: Ngày hoa và nước mắt

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Oan hận ngàn đời của nàng Mỵ Châu cũng từ tình yêu ấy. Sức mạnh, "trước là để trả thù nhà; sau là dựng lại nghiệp xưa họ Hùng" của Hai Bà Trưng cũng từ tình yêu ấy. Những thế hệ Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng khởi nguồn từ tình yêu ấy.

Tình yêu bao dung, lớn lao ấy đã sản sinh ra những thi nhân vĩ đại với tác phẩm bất hủ làm cho "đất nước hóa thành văn"; những anh hùng dân tộc uy vang bốn bể, danh vọng muôn đời. Những anh hùng dân tộc, danh nhân thế giới.

Giờ đây mẹ ta, khi nằm xuống, đã không còn đau xót vì "những tiếng giày đinh đạp núi đồi"; vợ ta không còn phải "vai gầy gánh gạo nuôi con", người yêu ta không còn mòn mỏi đợi chờ. Vẫn còn những cuộc chia ly, nhưng đó là những cuộc chia ly vì cuộc sống tốt đẹp hơn, vì đất nước giàu mạnh hơn. Vẫn còn nước mắt. Nhưng đó là những giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc.

Đất nước đã thống nhất, hòa bình. Cuộc sống của mẹ ta, vợ ta, của em yêu đã đỡ cay đắng, học nhằn. Nhưng vẫn còn nhiều nỗi đau, nhiều nỗi lo toan.

Chưa kịp vui xong một cái Tết mới bình yên thì mẹ đã lại thêm bạc đầu vì nỗi thương con, thương cháu. Vợ ta lại thức khuya hơn để nhẩm tính cho mỗi bữa ăn. Và em, em đành phải từ giã những món quà trang sức nhỏ thầm mong. Khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ trời Tây xa xôi đã đổ bộ vào nước ta, làm rung chuyển ngôi nhà nhỏ bé ta mới xây chưa kịp vững nền móng.

Vết thương chiến tranh sau mấy chục năm chưa hẳn đã liền nay lại bị thêm một đòn đâm từ sau lưng - Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác bỏ đơn của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống miền Nam trong chiến tranh xâm lược với lý do chúng ta chưa đủ chứng cứ thuyết phục. Họ ngạo mạn như vậy đấy. Họ rất biết rằng chúng ta, với tiềm lực kinh tế của mình, trình độ khoa học của mình hiện nay chưa thể đưa ra được những chứng cứ khoa học cần thiết. Muốn thuê, chúng ta cũng không đủ tiền và chắc chắn sẽ bị cản trở. Họ biết điều đó. Họ biết điều khác nữa - những gì chúng ta yêu cầu là đúng với sự thật vì chính họ gây ra; họ có tài liệu lịch sử hứng minh và họ rất biết cách chứng minh khoa học. Vậy nên họ cứ ngạo mạn, thách thức như đã từng làm. Nhưng thời gian sẽ cho thấy công lý thuộc về ai.

Nhưng không chỉ đợi thời gian, đợi các tổ chức, các chính phủ nước ngoài trợ giúp. Đó trước hết chính là trách nhiệm của chúng ta. Của những nhà kinh tế, khoa học của chúng ta - những người con, những người chồng, những người yêu. Những người không thể chỉ biết có cầm súng và ngắm trăng. Đó chính là cách thể hiện lòng kính trọng, biết ơn và tình yêu của chúng ta. Mẹ cho ta hình hài, nuôi ta lớn lên và thổi vào tâm hồn ta chí nam nhi của Tổ tiên; hướng chúng ta đi theo con đường của cha anh để mở rộng thêm, vươn xa hơn.

Vợ chăm lo, nuôi dạy các con ta, làm chỗ dựa vững chắc cho ta trên đường lập nghiệp và là bến bờ thân thương, hy vọng cho ta cặp bến sau mỗi cơn bão tố của cuộc đời. Em yêu cho ta sức mạnh bảo vệ, khát khao lao động và sáng tạo. Em chắp cánh cho những ước mơ của chúng ta bay cao hơn, xa hơn:

Lẽ nào em buộc cánh anh
Buộc cánh anh,
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu...

Chúng ta nhận được rất nhiều mà trả lại chẳng được bao nhiêu dù rằng ở nước ta mỗi năm có tới ba ngày lễ dành riêng cho phụ nữ: Ngày Tình yêu mới du nhập từ dạo mở cửa; ngày 20-10 truyền thống và ngày 8-3, đã được biết đến từ lâu như một ngày hội lớn của đất nước.

Ai cũng biết định luật Bảo toàn vật chất nổi tiếng: "Vật chất không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi...". Chúng ta, đàn ông Việt Nam, rất biết một "định luật" khác - "Định luật" bảo toàn tình cảm: "Tình cảm không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác".

Tôi bao giờ cũng nhớ tới "định luật" đó mỗi dịp 8-3. Năm ấy, 8-3, chúng tôi quyết định phỏng vấn phu nhân một số nhà báo nổi tiếng xem họ được hưởng những gì từ các ông chồng "người của công chúng" nhân ngày lễ của họ. Và nhận được câu trả lời: Quanh năm các ông sự nghiệp, chúng tôi được mở mày mở mặt, con cái tự hào về bố. Hôm nay, thôi thì như các ông nói, là ngày của chúng tôi, chỉ mong các ông về sơm sớm một chút, ăn với chúng tôi bữa cơm, cho vợ khỏi quên mùi, con khỏi quên mặt.

Năm ấy, nhân 8-3, ban tôi quyết định mời chị em một bữa ở nhà hàng. Mời thêm cả mấy cô thực tập mới đạt được tỷ lệ 8/4, nghĩa là nam 8, nữ 4. Trong phòng ăn, ngoài chúng tôi còn hai hội nữa, đến đây cũng "vì chị em". Một hội 12 đấu 3, hội còn lại còn đáng sợ hơn - chỉ một nữ trong tổng số gần hai chục người. Một, nhưng quyết định tất cả - từ "đi chợ" cho đến thanh toán, gọi xe cho đàn ông về sau bữa nhậu no say. Các bà của chúng tôi và bàn kia cũng vậy. Và đó là ngày của họ; họ được chúng ta mời. Ngay cả trong ngày ấy, được tôn vinh, chiều chuộng, nhưng họ vẫn quên mình, chỉ nghĩ đến chúng ta. Còn chúng ta, nâng niu họ để nhận được nhiều hơn.

Ngày 8-3 còn có thể gọi là ngày Ba Nhất. Ngày đó chúng ta thể hiện lòng kính trọng nhất đối với mẹ; sự tin cậy nhất đối với vợ và yêu thương nhất đối với em.

Ngày nhiều hoa và nước mắt nhất.
Hoa của chúng ta dành tặng những người thân thương nhất, gần gũi nhất.
Nước mắt là của mẹ. Những giọt nước mắt tự hào, mãn nguyện.
Nước mắt của vợ. Những giọt nước mắt xúc động, yêu thương.
Nước mắt của em. Những giọt nước mắt ngập tràn hạnh phúc, tương lai./.

(Theo: Nguyễn Triều/HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất