Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 2/3/2009 16:55'(GMT+7)

Dịch cúm gia cầm bùng phát, trách nhiệm thuộc về ai?

“Mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì ở thiên tài nước ta” – câu nói ấy gần như đúng trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm thời gian qua.

Cùng với sự tái phát dịch cúm gia cầm có tính lặp đi, lặp lại trong những năm vừa qua, có một điệp khúc khiến công chúng khá quen thuộc. Đó là: cứ khi nào dịch cúm gia cầm xảy ra, lỗi trước tiên là do bà con chăn nuôi lơ là, chủ quan. Còn khi không có dịch thì là nhờ có sự chỉ đạo, đôn đốc kịp thời của các cấp, các ngành hữu quan!

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 44 xã của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy là trên 50.000 con, trong đó chủ yếu là vịt.

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một trong những nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay là do sự lơ là, chủ quan của các cấp chính quyền và người chăn nuôi trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Tìm hiểu sâu hơn, có thể nhận ra rằng: Thiếu người làm thực, thiếu người giám sát thực, thiếu trách nhiệm cụ thể,… mới chính là nguyên nhân dẫn đến dịch cúm gia cầm bùng phát như hiện nay.

Đơn cử như công tác tiêm vaccine phòng cúm gia cầm. Lịch tiêm phòng cho gia cầm hiện nay không còn ấn định theo thời vụ, theo đợt như trước đây, thay vào đó cứ có gia cầm phát sinh mới, đủ tuổi, thuộc diện tiêm phòng là tiêm bổ sung ngay, tiêm theo tuần, theo tháng. Cách làm là vậy, thế nhưng không hiểu sao cứ nơi nào dịch cúm gia cầm xảy ra thì lại “lòi” ra nơi ấy chưa tiêm phòng cho gia cầm. Ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, khi dịch xảy ra, chính quyền xã này còn tổ chức cả các hội thảo chuyên đề để mổ xẻ vấn đề “hóc búa”: vịt, gà ở đâu ra mà lắm vậy?!

Xã không nắm được số liệu gia cầm chính xác, báo cáo lên huyện. Huyện, trên cơ sở số liệu của xã, báo cáo lên tỉnh. Tỉnh tổng hợp báo cáo tiếp lên Trung ương. Thành thử trước khi xảy ra dịch, báo cáo của các tỉnh về kết quả tiêm phòng vô cùng “ấn tượng”. Tỉnh nào cũng đạt tỷ lệ tiêm phòng từ 80 đến trên 90%. Nhưng đến khi dịch cúm gia cầm xảy ra, người ta mới hay, hóa ra còn nhiều gia cầm chưa được tiêm phòng. Ví dụ như tỉnh Cà mau, dịch cúm gia cầm hiện đã lan ra 10 xã của 5 huyện, thành phố Cà Mau. Các ổ dịch đều bùng phát ở các đàn gia cầm chưa được tiêm phòng. Hay như tỉnh Quảng Trị, sau khi dịch xảy ra, tiêm phòng bổ sung mới được gấp rút triển khai…

Những báo cáo chạy theo thành tích này đang là một “dịch bệnh”, khiến dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay. Năm 2008, tốc độ phát triển chăn nuôi gia cầm cao hơn các năm trước đó. Tuy nhiên, tính tới cuối quý 1/2009, số lượng vaccine Nhà nước nhập về để tiêm phòng cho số gia cầm của năm 2008 vẫn còn tới non nửa đang nằm trong kho lạnh! Gia cầm không được tiêm phòng, hệ quả tất yếu là dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát.

Tiêm phòng vaccine là một trong những biện pháp phòng dịch cúm gia cầm có hiệu quả. Theo kết quả giám sát sau tiêm phòng, gia cầm được tiêm phòng có tỷ lệ bảo hộ trung bình là gần 80% tính theo đàn và gần 64% tính theo mẫu giám sát.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải coi công tác phòng chống dịch cúm gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả những giải pháp đã đưa ra để sớm khống chế được dịch bệnh.

Khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng là kết quả trước mắt có thể đạt được. Tuy nhiên, về lâu dài, để thanh toán được dịch bệnh này thì không thể để kéo dài tình trạng thiếu chủ động như hiện nay.

Tính đến năm 2005, ở cấp xã, phường, thị trấn có tới 192 nghìn cán bộ, ngoài ra còn có gần 796.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố được hưởng sinh hoạt phí. Cán bộ đông, hưởng lương thấp nhưng công việc vẫn quá nhiều nên tiếp tục yêu cầu tăng thêm số lượng. Đây là cái vòng luẩn quẩn, không chỉ không hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, cách thức tổ chức và hoạt động của một số tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở nước ta vẫn duy trì mô hình: Từ Trung ương đến địa phương, cán bộ hưởng lương theo thang bậc viên chức Nhà nước và tổ chức thành ban bệ theo hệ thống hành chính. Cách tổ chức như vậy cùng với cơ chế hoạt động dựa vào ngân sách và các chương trình đưa từ trên xuống không bắt buộc cán bộ của đoàn thể phải quan tâm đến nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của dân. Ngược lại, cũng không tạo ra thái độ tin cậy và phối hợp hăng hái của mọi thành viên của tổ chức ở cơ sở.

Vậy nên, điệp khúc “chủ quan, lơ là” có thể sẽ tiếp tục, nếu vẫn còn hiếm những người đứng đầu các cấp không bị kỷ luật ngay cả khi báo cáo sai lệch so với thực tế, làm dịch bệnh nguy hiểm H5N1 lây lan ra diện rộng, đe dọa đến sức khỏe và sinh mệnh của con người./.

TG- theo Lê Phúc (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất