Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 26/2/2009 14:59'(GMT+7)

Tinh thần doanh nghiệp Nhật Bản: Điều suy ngẫm cho doanh nhân Việt Nam

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tinh thần tự tôn

Những năm nửa đầu thế kỷ 20 người tiêu dùng Mỹ thường coi hàng hóa có nguồn gốc từ Nhật Bản (made in Japan) là tượng trưng cho sản phẩm có phẩm chất kém. Dư luận ở nước Mỹ về sản phẩm hàng hóa như vậy đã khiến cho người Nhật “chạnh lòng”. Một tầng lớp doanh nhân Nhật Bản với mong muốn “rửa” tiếng thấp hèn cho đất nước đã phát huy mạnh mẽ phẩm chất truyền thống của “võ sĩ đạo” (tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, tự trọng, hành động vì nghĩa lớn, tinh thần cầu tiến…) đi ra nước ngoài học hỏi về công nghệ, tri thức khoa học, kinh nghiệm quản lý, sản xuất, kinh doanh và họ đã “ngộ” ra rằng: “Muốn phát triển kinh tế đất nước thì phải công nghiệp hóa”. Ibuka (một doanh nhân Nhật), trong bài diễn văn sáng lập công ty Sony năm 1946 đã nói rằng: “Ta phải dùng sức mạnh của công nghệ để góp phần vào việc phục hưng tổ quốc chúng ta”. Chính các doanh nhân Nhật Bản sau đó đã làm đổi thay bộ mặt nền kinh tế Nhật Bản.

Tinh thần kinh doanh

Ibuka cho rằng, bất cứ công nghệ của nước nào cũng có khe hở và một công ty nhỏ nếu có trình độ cũng có thể len lỏi phát hiện, khai thác để kinh doanh. Từ nhận thức như vậy, Sony đã tìm cách mua lại và ứng dụng sáng tạo công nghệ của phương Tây. Kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc tiếp thu và cách tân công nghệ của Sony là máy nghe nhạc Walkman chất lượng cao đã ra đời vào những năm 1960 góp phần làm thay đổi hình ảnh hàng hóa “made in Japan” trên thương trường thế giới.

Khi sản phẩm máy nghe nhạc Walkman của hãng Sony xuất hiện trên thị trường nước Mỹ, người Mỹ không thể ngờ rằng, phát minh ra transitor bán dẫn là của mình, thế nhưng Sony lại là công ty ứng dụng thành công sản xuất ra máy nghe nhạc Walkman khiến thế giới phải kính nể và tin dùng. Điều đặc biệt ở chỗ, Sony đã khởi phát sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của mình xuất phát từ con số không (0) rồi vươn lên chiếm lĩnh thị trường, đem lại vinh quang cho nước Nhật chính bằng sức sáng tạo và tinh thần kinh doanh. Phương châm của Sony là đưa ra những sản phẩm mới chưa có trên thị trường với giá cả hợp lý, không cần tới sự bảo hộ có điều kiện của Chính phủ. Ngoài hãng Sony, người Nhật còn có các công ty khác khá thành công trên thương trường thế giới như Toyota (sản xuất ô tô), Honda (sản xuất xe máy)…

Để phát triển, các doanh nghiệp Nhật Bản cùng lúc đã du nhập từ nước ngoài về ba loại công nghệ mới: Thứ nhất, nhận thức rằng công nghệ nước mình lạc hậu phải thay thế bằng công nghệ mới, các công ty thép Nippon steel, Kawasaki, Nippon Kokan… đã bỏ tiền ra mua công nghệ thép của Áo, Đức… trong đó có cả những công nghệ áp dụng sớm hơn cả nước Mỹ. Từ đó, thép của Nhật Bản từ không tên tuổi đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới. Thứ hai, các công nghệ mới trong lĩnh vực điện dân dụng thế giới phát minh ra sau thế chiến thứ 2 Nhật Bản chưa có cũng được các công ty Sanyo, Hitachi… tìm cách du nhập về nước sản xuất ra các sản phẩm máy giặt, quạt điện, tủ lạnh, ti vi… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thứ ba, công nghệ cao bán dẫn, vi tính… xuất hiện cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu, học hỏi, cách tân cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

Nhờ việc các doanh nghiệp du nhập về nước những công nghệ hiện đại, tiên tiến mà nền kinh tế Nhật Bản đã có điều kiện phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp. Khoảng thời gian từ 1955 đến 1973 là giai đoạn phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản, bình quân mỗi năm tăng trưởng GDP ở mức từ 9%-10% và kéo dài như vậy trong suốt 18 năm liên tục. Lịch sử kinh tế thế giới cho đến thời điểm đó cũng ghi nhận, chưa có một quốc gia nào đạt được mức tăng trưởng GDP cao và trong khoảng thời gian dài như thế. Từ sau thế chiến thứ hai đến nay, nhiều công ty Nhật Bản đã trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh xuyên quốc gia (Sony, Sanyo, Honda…), đóng góp lớn cho nền kinh tế. Người Nhật đã thừa nhận rằng, chính các doanh nghiệp là lực lượng đi tiên phong góp phần đưa nước Nhật vươn lên trở thành một quốc gia hùng mạnh trên thế giới.

Giáo sư kinh tế Trường đại học Waseda Tokyo – Trần Văn Thọ khẳng định: “Sức sáng tạo, tinh thần tiên phong, tự lập, vì đất nước mà kinh doanh, mạo hiểm trong đầu tư, ý thức mưu tìm lợi nhuận, đạo đức trong kinh doanh… là những thứ không thể thiếu trong tinh thần doanh nghiệp Nhật”.

Đôi điều suy ngẫm

Lịch sử Việt Nam không phủ nhận doanh nhân đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước. Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngày nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đề cao vai trò của đội ngũ doanh nhân, coi doanh nhân là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận kinh tế từng ngày đấu tranh với đói nghèo, lạc hậu. Tới đây, Đảng sẽ có Nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Chính phủ cũng đang tích cực tạo môi trường bình đẳng, tự do cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam vì thế mà ngày càng lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Điều mà các doanh nhân Việt Nam cần phải suy ngẫm là liệu có làm được những điều kỳ diệu như các doanh nghiệp Nhật Bản đã làm cho đất nước của họ hay không?

Với truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính cần cù, thông minh, sáng tạo, biết hy sinh vì nghĩa lớn của người Việt, chúng ta có quyền hy vọng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam tương lai không xa cũng sẽ tạo ra được những đổi thay diệu kỳ cho đất nước. Trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức và cách mạng khoa học kỹ thuật diễn ra như vũ bão, đổi thay từng ngày, đòi hỏi thế hệ các tầng lớp doanh nhân Việt Nam không chỉ có tinh thần vì đất nước mà kinh doanh mà còn phải có tố chất thông minh, sáng tạo, trang bị thêm cho mình những kiến thức mang tính thời đại như ngoại ngữ, hiểu biết về luật lệ và tập quán kinh doanh quốc tế, khả năng ứng dụng tin học, tăng cường tham gia các hoạt động của tổ chức hiệp hội kinh doanh..., tăng cường hợp tác và liên kết kinh doanh quốc tế.

Ở tầm vĩ mô, kinh nghiệm từ Nhật Bản còn cho thấy, điều cực kỳ quan trọng khiến cho các doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ là họ được nuôi dưỡng trong môi trường đảm bảo tự do cạnh tranh và khuyến khích phát triển. Mọi công ty, xí nghiệp đều bình đẳng trong các cơ hội và được hưởng thành quả của những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, phát minh của mình. Nhà doanh nghiệp thành đạt được cả xã hội tôn vinh. Các công ty, xí nghiệp thành công trên thương trường thế giới được coi là niềm tự hào, hãnh diện chung của cả nước. Các công ty như Sony, Honda, Toyota, Sanyo… được người Nhật nhắc đến với tất cả tự hào không riêng của những người góp vốn mà là của quốc gia. Những doanh nhân nổi tiếng như Morita, Ibuka, Matsusita… được nhân dân Nhật Bản coi là những người có công lớn đối với đất nước, được trao tặng huân chương cao quý nhất, hoặc lập nhà lưu niệm, viết thành sách./.

Lan Ngọc
, Bộ Công thương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất