Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 19/2/2009 15:57'(GMT+7)

Làm gì để góp phần “giảm tải” những “áp lực”

 1. “Ááp lực” về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Con người muốn duy trì sự tồn tại của mình thì tất nhiên phải ăn uống hàng ngày. Người xưa đã từng ví miếng ăn như “trời” (dĩ thực vi thiên) là có lý của nó. Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, từ lúc “ăn hang, ở lỗ”, “ăn sống nuốt tươi” đến khi ăn uống theo sở thích, theo nhu cầu, ăn uống bất cứ ở đâu, kể cả vui thú ẩm thực trên không hay dưới lòng nước biển, con người hiện đại vẫn thoả mãn được khát vọng của mình. Trừ một bộ phận dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo hàng ngày phải lo toan với “bát cơm, tấm áo” thường nhật, còn phần đông người dân hiện nay đã có cuộc sống no đủ. Nhưng có một nghịch lý là: Lương thực thực phẩm càng dồi dào bao nhiêu thì người ta càng phải “cảnh giác” và lo lắng với vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm bấy nhiêu. Bất kể mua một thứ thực phẩm nào hiện nay, người tiêu dùng cũng không tránh khỏi một tâm lý hoài nghi: Có sạch không, có an toàn cho sức khoẻ không? Rau là một thứ không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân Việt Nam, nhưng cái món “khoái khẩu” ấy bị người sản xuất ở nhiều nơi phun nhiều thuốc trừ sâu, tưới bón nhiều thứ nước bẩn, nước ao, nước rãnh, nước phân ủ vô số mầm bệnh khiến người ta phải lo lắng, e dè. Các loại trái cây ăn trực tiếp vào miệng, người trồng đã bơm thuốc kích thích sinh trưởng, tẩm hoá chất để bảo quản được thời gian lâu nên người mua không khỏi băn khoăn. Thịt lợn nuôi tăng trọng, thậm chí “siêu tăng trọng” đã từng được các nhà khoa học cảnh báo về dư lượng hoá chất đã nhiễm vào từng đường gân thớ thịt làm cho người tiêu dùng thêm phân tâm, ái ngại. Rồi các món ăn như nước tương (xì dầu), mắm tôm, mắm tép... sản xuất không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh và an toàn đối với sức khoẻ buộc người ta phải dè chừng, do dự. Đó là chưa kể đến những đợt xuất hiện dịch cúm gia cầm, gia súc với bao thứ bệnh nguy hiểm mà nếu vô tình chẳng may ăn vào các loại thực phẩm ấy, nguy cơ tử vong rất cao.

2. “áp lực” về tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng

Con người sống không thể tách khỏi môi trường chung quanh mình. Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta nói nhiều về tình trạng và vấn nạn ô nhiễm môi trường như hiện nay. Sống ở khu vực đô thị, tiếng xe cộ ồn ào đến “đinh tai, nhức óc”, bụi bặm trong không khí đã ở mức “báo động đỏ”, hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ô-zôn đã trở thành nguy cơ ngay trước mắt. Sống ở nông thôn thì nhiều nơi đường sá mất vệ sinh vì trâu, bò, chó cứ “thản nhiên” thải phân ra vô tội vạ. Các thứ rác rưởi, chất thải sinh hoạt không ít nơi “bạ đâu bỏ đấy”, các rãnh nước bẩn “cha chung không ai khóc” nên chẳng mấy khi được khơi thông. Những dòng sông một thời lấp lánh nên thơ nay đã biến thành “dòng sông chết” đen ngòm, những con kênh xanh xanh thuở nào đã trở thành nơi chứa đựng tất tần tật các thứ chất thải của con người và các loài vật. Nhiều làng rợp bóng cây xanh với hình ảnh thân quen “cây đa, bến nước, sân đình” đã đi vào nhiều câu ca dao làm lay động tình người thì nay đã chuyển thành những “làng ung thư”, “làng nhiễm điện” nghe sởn cả gai ốc toàn thân. Những chiếc ao nước trong veo vẻo nay trở thành những vũng ao tù nước đọng với một mùi thum thủm bốc lên rất đáng sợ. Nước sinh hoạt của một bộ phận người dân từ thành thị đến nông thôn không đảm bảo vệ sinh luôn là nơi “ủ mầm” các dịch bệnh liên quan đến ăn uống. Còn bao việc làm, hành động khác của con người đã biến bầu không khí, môi trường vốn rất trong lành, yên ổn dần dần thành một cái “túi đựng rác thải khổng lồ” luôn vây quanh, bao chụp cuộc sống chúng ta từ tứ phía, từ trên trời xuống lòng đất. Đâu đâu người ta cũng thấy tình trạng ô nhiễm môi trường và cũng đã lên tiếng cảnh báo rất nhiều, nhưng chả biết do vô tình hay cố ý, rất nhiều người cứ tự mình làm cho cái vấn nạn đó thêm trầm trọng! Sống trong môi trường phải hít thở không khí không trong lành, phải ăn uống với thứ nước không sạch sẽ, phải đối mặt với vô số mùi hôi hám, bẩn thỉu, độc hại lúc nào cũng đe doạ đến sức khoẻ bản thân mình .

3. “áp lực” về các luồng thông tin trái chiều

Con người sinh sống không thể thiếu thông tin. Vì đó là “sợi dây”, là “nhịp cầu” nối liền con người với con người, con người với xã hội. Thông tin đã góp phần củng cố, tăng cường gắn kết các mối quan hệ xã hội, đồng thời mở rộng tầm nhìn, nâng cao hiểu biết, phổ biến tri thức khoa học để con người ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Thời đại thông tin bùng nổ, ở bất cứ đâu ai cũng có thể đọc một tờ báo, nghe một chương trình phát thanh, xem một chương trình truyền hình và theo dõi một bản tin tức trên mạng Internet để biết và nắm được thông tin trên trái đất này đang diễn ra hàng phút, hàng giờ quanh chúng ta. Nhiều người bảo rằng, thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều thì càng lợi ích chứ sao! Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt dễ nhìn thấy của tấm huy chương mà thôi. Vì trên thực tế, quá nhiều luồng thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay đã làm không ít người có lúc phải giật mình thon thót. Có tờ báo “nói như đinh đóng cột” rằng ở dòng sông nọ có báu vật rất linh thiêng. Nhưng hôm sau báo khác “phản bác” lại là làm gì có chuyện ấy. Cùng trong một ngày, báo này ca ngợi vị giám đốc kia “có công” như một người... anh hùng, còn báo khác thì phê phán chính vị giám đốc ấy như một... kẻ phá hoại không hơn không kém! Hôm trước vừa nghe “nhà đài” khẳng định có một người phụ nữ ăn gạo lức tự chữa khỏi bệnh ung thư cho mình, song dăm ba ngày sau thì “nhà báo” lại quả quyết rằng đó chỉ là... bịa đặt! Mấy thứ thuốc được quảng cáo rầm rộ “chữa được bách bệnh” ở báo nọ thì chỉ ít ngày sau, báo khác “điều tra” và bảo: Cái thứ thuốc ấy chẳng có công dụng như nhà sản xuất công bố. Đấy là chưa kể một số tờ báo hết đưa tin “tù, tội, tình, tiền” lại thông tin các vụ “trộm, cướp, hãm, hiếp”, rồi hết “tung hô” cô ca sỹ này lại “tẩy chay” anh chàng diễn viên khác. Thậm chí một tờ báo đã không tiếc lời ca ngợi cô diễn viên mới lớn nọ với những câu từ “hoa văn, mỹ miều” và đầy ưu ái, thiện cảm, nhưng một thời gian không lâu sau đó lại ra sức “nguyền rủa” chính cô ta là kẻ sa đà vào lối sống buông thả, hư hỏng. Rồi không ít trang web phản động, blog “bẩn”, hình ảnh đồi trụỵ xuất hiện trên mạng Internet như một thứ “dịch bệnh” có tốc độ lây lan cực nhanh. Mà lạ thay, những thứ thông tin ấy như một “chất men” gây tò mò cho công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi khiến họ rỉ tai nhau và ai cũng “ra sức” tìm hiểu, đọc, nghe, xem và khám phá... bằng được mới thôi. Thế nên sau khi đi quán Internet về, một cô bé “tuổi teen” nói với bố mẹ rất ngây thơ mà cũng rất thật: “Cái chú lãnh đạo ấy hôm trước con mới thấy xuất hiện ở trên truyền hình nói rất hùng hồn, lịch lãm, thế mà con vừa đọc trên mạng thấy các chú công an đã cho tay vào “còng số 8” rồi. Tiếc quá, một thần tượng của con đã bị sụp đổ! Con chẳng biết tin ai nữa”! Lỗi tại thông tin chăng? Cũng không hẳn thế.

Nhưng có một sự thật hiện nay là: Thông tin nhiều chiều, thông tin không được lựa chọn chặt chẽ, thẩm định kỹ lưỡng, thậm chí thông tin không có định hướng tư tưởng và thiếu tính giáo dục, thẩm mỹ vẫn còn xuất hiện không ít trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay. Từ đó dẫn đến một hệ quả là: Nhiều khi cái thật- cái giả, cái tốt- cái xấu, cái hay- cái dở, cái đúng- cái sai, cái cao thượng- cái đê hèn, cái tích cực- cái tiêu cực, cái văn minh- cái lạc hậu,... vô tình đan xen vào nhau trong các thông tin nên công chúng khó phân định rạch ròi và vô hình trung đẩy người ta vào một “đại dương thông tin mênh mông” không biết đâu mà lần. Nay tốt, mai xấu, nay là anh hùng, mai như kẻ tội đồ, báo này bảo đúng, đài kia bảo sai, công chúng bị “ngợp” trong các luồng thông tin nhiều chiều ấy thì biết đặt niềm tin vào đâu? Và chính những thông tin “trái chiều, rối ren” như thế cũng là một thứ “áp lực” tinh thần của con người trong xã hội hiện đại!

Mỗi người một công việc, người nào thiếu gì, cần gì mà phải phấn đấu thì đó cũng là một “áp lực”, song đó chỉ là “áp lực” của một cá nhân riêng lẻ. Còn các “áp lực” nêu trên là “áp lực” chung của xã hội hiện đại. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường trầm trọng là những “áp lực” dễ nhìn, dễ thấy. Còn những luồng thông tin trái chiều là một “áp lực vô hình” nếu không được ngăn chặn kịp thời cũng có thể gây ra những tác hại khôn lường cho xã hội. Nêu ra các “áp lực” đó không phải để kêu ca, phàn nàn hay nản lòng, nhụt chí, mà muốn nói lên một thực trạng: Có “áp lực” thì chúng ta phải có biện pháp để tháo gỡ và từng bước “xả hơi” các “áp lực” này. Trên thực tế, các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng cũng đã “vào cuộc” để giải quyết tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và thông tin “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhưng xem ra kết quả, hiệu quả còn ở mức độ “khiêm tốn”! Để góp phần “giảm tải” những “áp lực” của những tình trạng “nóng” vừa nêu, xin góp thêm vài ý kiến nhỏ:

Một là: Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người và sự phát triển của nòi giống và cả cộng đồng dân tộc. Vì thế chuyện mớ rau, miếng thịt không phải là chuyện “bếp núc” của riêng một gia đình hay cá nhân nào. Rất cần sự “vào cuộc” quyết liệt hơn nữa, tinh thần xông pha hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan chức năng như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin- truyền thông và chính quyền địa phương cơ sở. Nên chăng, ở cấp xã hiện nay cũng cần có bộ phận hay cán bộ chuyên trách về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi cấp cơ sở rất gần dân, nếu có lực lượng chuyên trách ấy sẽ rất thuận lợi trong công tác giáo dục, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát người dân đối với việc tham gia giữ gìn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ mỗi luống rau, vườn quả, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm ở gia đình.

Hai là: Môi trường có ảnh hưởng và liên quan mật thiết đến cuộc sống, sức khoẻ và sự an toàn của con người. Quan tâm chăm lo bảo vệ môi trường đi đôi với việc giải quyết dứt điểm những “điểm nóng” về môi trường hiện nay phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung đông dân cư, cần hết sức chú ý đến việc quy hoạch các khu xử lý rác thải ở nông thôn.

Với khoảng 70% dân số là nông dân đang sinh sống, cư trú, lao động sản xuất ở nông thôn thì việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ở địa bàn rộng lớn này ngay từ bây giờ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bảo vệ tốt môi trường sống phải đi trước một bước mới tạo đà cho sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung, ở khu vực nông thôn nói riêng, được thuận lợi. Nhiệm vụ bảo vệ môi trường quan trọng như vậy, nên có lực lượng chuyên trách tham gia công tác này ở cấp xã cũng rất cần thiết. Thêm một vài biên chế cán bộ, nhân viên làm công tác môi trường (nhất là ở nông thôn) có thể ngân sách hàng năm chi trả lương của xã tăng lên đôi ba chục triệu đồng, nhưng “cái được lớn nhất” là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường cũng như công tác tham mưu, đề xuất, kiểm tra, giám sát về môi trường sẽ được tăng cường mạnh mẽ, góp phần làm chuyển biến ý thức, nhận thức, thái độ, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giữ gìn môi trường trong lành.

Ba là: Thông tin là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần- văn hoá của con người và có ảnh hưởng sâu sắc đến việc giữ gìn ổn định chính trị, tư tưởng của xã hội và diện mạo, sắc thể của cả quốc gia. Quan điểm “Phát triển đi đôi với quản lý” thông tin, truyền thông phải được cụ thể hoá bằng những cơ chế, quy định, chế tài trong thực tiễn cuộc sống. Trong một thời đại thông tin bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, ngoài việc phát triển các phương tiện truyền thông hiện đại nhằm đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của nhân dân, cần phải siết chặt và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đại chúng.

Tôn trọng việc đa dạng hoá thông tin nhiều chiều của các cơ quan truyền thông là cần thiết, nhưng cơ quan chức năng nhất thiết phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm định các nội dung thông tin; khuyến khích các thông tin có lợi cho quốc kế dân sinh và góp phần giáo dục, xây dựng và phát triển các giá trị chân- thiện- mỹ cho con người gắn liền với việc thường xuyên uốn nắn, chấn chỉnh những thông tin mang nặng tính thương mại, thiếu tính thẩm mỹ văn hoá, không có lợi cho việc giữ vững an ninh tư tưởng- văn hoá và ổn định chính trị của xã hội; đồng thời kiên quyết xử lý, thu hồi các ẩn phẩm, các phương tiện truyền bá thông tin xâm hại thuần phong mỹ tục của dân tộc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của tổ chức và công dân, làm “nhiễu loạn” sự đồng thuận của xã hội.

Dân chủ hoá đời sống báo chí, tự do hoá ngôn luận không đồng nghĩa với việc tự ý, tuỳ tiện đưa mọi thứ thông tin lên các phương tiện truyền thông với bất cứ mục đích gì. Chúng ta cần rút ra nhiều bài học trong công tác quản lý báo chí thời gian qua để đưa hoạt động này đi đúng hướng, phát triển đúng quỹ đạo, bảo đảm cho các phương tiện truyền thông đại chúng của Đảng, Nhà nước, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương thực sự trở thành một nhân tố và đòn bẩy thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

“áp lực” của xã hội hiện đại là “áp lực” chung tất cả mọi người dân. Vì thế, việc “giảm tải” những “áp lực” đó là trách nhiệm không của riêng ai. Tuy nhiên, cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng liên quan đến các “vấn đề nóng” luôn giữ vai trò “đầu tàu” và là nhân tố quyết định trong việc “giảm tải” thành công các “áp lực” này./.

Nguyễn Văn Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất