Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 19/2/2009 21:58'(GMT+7)

Tận dụng được hiệu quả nhất vốn ODA

Cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long) được xây dựng từ vốn ODA của Nhật Bản

Cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long) được xây dựng từ vốn ODA của Nhật Bản

Nếu tính từ năm 1994 là năm đầu tiên Việt Nam nhận được vốn ODA đến nay là 15 năm. Nguồn vốn ODA được huy động từ 20 nhà tài trợ, trong đó nổi lên 3 nhà tài trợ chủ yếu là Nhật Bản chiếm 55%, Ngân hàng Thế giới (WB)- 20%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)- 20%.

Trong 15 năm, thông qua các ký kết vốn ODA đạt tới 11.818 triệu USD (trong đó vốn nước ngoài là 8.028 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng trong nước) đã mang lại tác dụng lớn lao thay đổi cơ bản bộ mặt hạ tầng cơ sở về giao thông với 99 dự án, trong đó 68 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư là 3.580 triệu USD.

Hàng loạt công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA được đưa vào sử dụng trong đó có những công trình quan trọng đánh dấu cả một thời kỳ kinh tế phát triển của đất nước ta như quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 18, quốc lộ 10, Cảng Sài Gòn, Cái Lân, Tiên Sa, hầm đường bộ Hải Vân, các cầu trên tuyến đường sắt Thống Nhất, nhà ga T2 sân bay Tân Sơn Nhất…

Nhìn một cách khái quát, với nguồn vốn này, chúng ta đã khôi phục và nâng cấp được hơn 6530 km quốc lộ, 4060 km tỉnh lộ, 12409 km đường nông thôn, 64200 mét cầu đường sắt, đường bộ, 53343 mét cầu nhỏ nông thôn… Hiện nay trong lịch trình đến năm 2010, hàng loạt công trình đang thực hiện bằng nguồn vốn tài trợ này của Nhật Bản như cầu Thanh Trì, đường vành đai ba, cầu cạn Pháp Vân, cầu Phù Đổng, cầu Cần Thơ,…

Cùng với nhà tài trợ JICA Nhật Bản các nhà tài trợ ADB, WB cũng cho vay lượng vốn đáng kể để thực hiện hàng loạt dự án như dự án phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải, mạng lưới giao thông Đồng bằng Sông Cửu Long, dự án giai đoạn 1 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án giao thông nông thôn 3, Dự án nâng cấp mạng lưới đường bộ…

Thông qua việc xây dựng các công trình này, trình độ nhân lực cũng như công nghệ, thiết bị trong ngành xây dựng của ta, nhất là ngành xây dựng giao thông tiến bộ vượt bậc, không ít lĩnh vực đạt trình độ thế giới. Đội ngũ công nhân Việt Nam đã xây dựng được những công trình đòi hỏi kỹ thuật và trình độ cao như cầu cáp treo dây văng, hầm đường bộ, đường cao tốc…

Sau 15 năm, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận khi chúng ta tận dụng được số tiền lớn từ nguồn vốn tài trợ ODA để tạo ra những chuyển biến tích cực trong hệ thống hạ tầng giao thông thì trong việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi quý báu này cũng lộ ra những bất cập không nhỏ.

Một trong những căn bệnh trầm kha của ngành xây dựng nói chung và xây dựng giao thông của nước ta nói riêng là vấn đề giải ngân. Nguồn vốn ODA cũng không thoát khỏi căn bệnh này. Tính đến nay không ít các công trình được xây dựng bằng nguồn vốn này đã đi vào sử dụng nhưng tổng tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn ODA vẫn chỉ đạt từ 70 – 80%. Sự chậm trễ không đáng có gây thiệt thòi lớn cho các nhà thầu khi giá cả ở nước ta đang biến động lớn.

Các nhà tài trợ nguồn vốn ODA đều là những cơ sở làm ăn hiện đại, có bài bản. Đến Việt Nam gặp sự trì trệ, phức tạp và rối rắm trong thủ tục, bộ máy hành chính, sự tắc nghẽn giao thông… đã khiến không ít nhà tài trợ vốn ODA thế giới nản chỉ. Sự nản chí này bị đẩy lên cao tới mức Nhật Bản – nhà tài trợ chính trong nguồn vốn ODA đã từng tuyên bố ngừng việc ký kết khi phát hiện có sự tham nhũng trong sử dụng nguồn vốn này.

Năm 2009, bất chấp nhiều sự trục trặc trong việc tiếp nhận và thực hiện nguồn vốn ODA, nhưng có thể là năm chiều hướng cam kết ODA ưu đãi của các nhà tài trợ sẽ đạt đến đỉnh điểm để sau một, hai năm nữa nguồn vốn này sẽ ít dần cho đến khi chấm dứt hẳn, khi nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi ngưỡng của một quốc gia nghèo.

Trong khi đó nhu cầu xây dựng các công trình bằng nguồn vốn này vẫn đang lớn. Trong thời gian ít ỏi còn lại đón nhận nguồn vốn, vấn đề quan trọng là phải làm thế nào tìm ra biện pháp để sử dụng hữu hiệu nhất.

Nên chăng biện pháp này bắt đầu từ việc Chính phủ rà soát lại các dự án, các nhu cầu để rót nguồn vốn vào những công trình thực sự có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế dựa trên sự quy hoạch cụ thể và phù hợp về chiến lược phát triển giao thông. Không nên coi ODA như một thứ quả thực trời cho để dàn trải chia đồng đều.

Tuy chính phủ đã phân cấp các hạng mục công trình theo quy mô cho địa phương và trung ương nhưng vấn đề kiểm soát và điều hành nguồn vốn này rất quan trọng, đòi hỏi cần có người và cơ quan đủ năng lực để điều hành và kiểm soát. Đây chính là điều kiện cần thiết để ngăn chặn bàn tay đen lợi dụng kẽ hở trong việc quản lý và thực hiện vốn ODA để thao túng, tham nhũng./.

DT- theo Bách Thành (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất