Thứ Bảy, 18/2/2017 13:48'(GMT+7)
Tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng - Vận hội lớn cho đất nước
(TG)- Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007,
với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Từ đó đến nay, sau 10 năm, Việt Nam
đã đạt được nhiều tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dư lợi dân số này
sẽ kéo dài khoảng 34 năm và kết thúc vào khoảng năm 2041. Đặc biệt, thời
kỳ dân số vàng và già hóa dân số diễn ra cùng một lúc, do vậy, Việt Nam
cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số, thúc đẩy
phát triển đất nước.
Cơ hội đi liền thách thức
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), một trong những
đặc điểm nổi bật của dân số Việt Nam hiện nay là mức sinh giảm, làm cho
tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống
còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động
(15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015).
Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người
trong độ tuổi lao động - nền tảng cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực
hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ
trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi cũng mang đến cơ hội lớn cho việc tăng
nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển.
Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh còn giúp cho thị trường tiêu
thụ được mở rộng. Bởi dân số trong thời kỳ này vừa là lực lượng sản xuất
chủ lực vừa là lực lượng tiêu dùng chính. Nhiều nghiên cứu trong những
năm gần đây đã chứng minh, chi phí tiêu dùng tăng nhanh theo tuổi và đạt
mức lớn nhất trong nhóm tuổi từ 25-29 và duy trì ở mức cao cho đến 45
tuổi thì giảm gần tới mức trung bình.
Trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, số lượng trẻ em giảm cũng giúp Việt
Nam có điều kiện để tái cấu trúc, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo,
đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Tuy nhiên, theo phân tích của các các chuyên gia về dân số, cơ hội cũng
đi liền với thách thức. Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam chiếm
tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng chưa cao, thống kê năm 2015
cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động mới chiếm khoảng 78,8% dân
số.
Khoảng 70% dân số sống và khoảng 48% lao động đang làm việc ở khu vực
nông nghiệp, nông thôn - khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh
đó, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp của thanh niên từ 15-24
tuổi chậm được cải thiện, vẫn có tới 7,21% lao động thanh niên chưa có
việc làm. Đi cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Theo số
liệu thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt
20,2% trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế.
Một thách thức nữa của Việt Nam hiện nay là số lượng người già có xu
hướng tăng nhanh trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm phát sinh nhiều
nhu cầu mới về chi trả lương hưu, bảo hiểm, hệ thống y tế, dịch vụ chăm
sóc sức khỏe đặc thù cho nhóm dân cư này.
Phó giáo sư-tiến sỹ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công
và quản lý (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ theo vòng đời, thu
nhập từ lao động sẽ tăng nhanh từ 14-31 tuổi, sau đó bắt đầu giảm dần
tới năm 51 tuổi và tiếp tục giảm nhanh đến 70 tuổi và về 0 khi đến tuổi
90.
Số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2012 cho thấy dân số
trong độ tuổi 23-53 tạo ra thặng dư khoảng 632.000 tỷ đồng, trong khi
dân số trong độ tuổi 0-23 và từ 54 tuổi trở lên tương ứng tạo thâm hụt
khoảng 552.000 tỷ đồng.
Tổng cộng cho toàn bộ dân số thì mức thâm hụt là khoảng 109.000 tỷ đồng.
Để bù đắp cho phần thâm hụt này thì một phần được chia sẻ từ nguồn
thặng dư do nhóm dân số tuổi từ 23-53 tạo ra và phần khác là từ các
khoản chuyển giao khác. Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh
trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách
thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ.
Cần những bước đi quyết định
Thực tế chứng minh, nhiều nước trong khu vực và thế giới đã phát triển
rất mạnh ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore
đã tận dụng tốt cơ hội nhân khẩu học, làm nền tảng cho những bước phát
triển thần kỳ và trở thành những “con rồng châu Á.”
Tuy nhiên, bản thân giai đoạn cơ cấu dân số vàng không mang lại của cải
vật chất cho xã hội mà chỉ là cơ hội. Trong giai đoạn cơ cấu dân số
vàng, nếu tận dụng được tối đa trí tuệ, sức lao động của lực lượng lao
động trẻ thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá
trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước
vào gia đoạn “dân số già.”
Những giải pháp khai thác triệt để cơ hội của cơ cấu dân số vàng, không
chỉ nhằm phát huy lực lượng lao động dồi dào ở giai đoạn này để làm ra
khối lượng của cải vật chất nuôi sống bản thân họ, mà quan trọng không
kém là còn tạo nên thặng dư để bảo đảm cuộc sống cho các nhóm dân số phụ
thuộc trong cùng thời kỳ.
Ông Richard Marshall, cố vấn chính sách về an sinh xã hội của Chương
trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng trong giai đoạn này, các
nước như Việt Nam cần có những bước đi quyết định nhằm tối đa hóa lợi
tức dân số, thúc đẩy định hướng việc làm và tạo ra những công việc chất
lượng và năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề mất cân
đối về giới, huy động các nguồn tiết kiệm và chuyển hướng hoạt động sản
xuất cho phù hợp.
Việt Nam cũng cần học hỏi mô hình chuyển đổi ở Singapore hoặc Bắc Âu
nhằm ứng phó với già hóa dân số, vì già hóa không hoàn toàn mang ý nghĩa
tiêu cực. Việt Nam có thể tận dụng trí tuệ, kinh nghiệm của người cao
tuổi trong mọi mặt của đời sống, cả kinh tế cũng như văn hóa.
Ông Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội
(Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng để không mất cơ hội trong
thời kỳ dân số “vàng,” Việt Nam cần tập trung đào tạo lao động có trọng
điểm, chú ý đến lợi thế vùng miền.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đội ngũ lao động kế cận cho giai đoạn già hóa
dân số. Nhìn xa hơn, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số ở nước ta
diễn ra cùng một lúc, vậy nên Nhà nước cần có những chính sách nhằm tận
dụng ở mức cao nhất đối với bộ phận dân số là người cao tuổi, khuyến
khích họ tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với những
người độ tuổi từ 55-75 còn sức khỏe, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân
số-Kế hoạch hóa gia đình nhưng chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm sinh
để giải quyết vấn đề quy mô dân số.
Trong giai đoạn tới, theo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phải chú
trọng nâng cao chất lượng dân số - phát triển nguồn nhân lực chất lượng
cao nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội cơ cấu dân số vàng./.
TG