Chất vấn và trả lời chất vấn là một nội dung quan trọng trong mỗi kỳ họp Quốc hội được đông đảo cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Việc công khai các hoạt động của đại biểu quốc hội trên sóng phát thanh, truyền hình và các phương tiên thông tin đại chúng là thể hiện đúng “dân ý, dân nguyện”, là sự thể hiện tính công khai, dân chủ rộng rãi của nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Quốc hội bàn gì, nói gì không còn là bí mật. Các đại biểu được chỉ định trả lời chất vấn và đại biểu tham gia chất vấn không còn khoanh hẹp trong bốn bức tường, mà mọi cử tri đều được nghe, theo dõi như đang trực tiếp tham dự kỳ họp. Đó là cầu nối quan trọng từ cơ quan quyền lực cao nhất đến từng người dân. Nhưng cũng vì rất đông cử tri theo dõi như vậy, các đại biểu lại càng có trách nhiệm nặng nề hơn, ý thức tâm giao với cử tri phải cao hơn, thể hiện là người đại biểu của nhân dân, vì ý nguyện của cử tri mà thận trọng, chu đáo, chuẩn bị kỹ mỗi khi chất vấn và trả lời chất vấn.
Thế nên, yêu cầu của người đứng lên chất vấn, và yêu cầu của người hiện diện trả lời chất vấn đặt ra sự chuẩn xác rất lớn. Hỏi vấn đề gì? Vấn đề đó nắm kỹ chưa? Cân nhắc thấu đáo chưa? Hỏi như thế nào cho ngắn gọn, dễ hiểu? Còn đại biểu trả lời thì càng phải cân nhắc, phải tự tin và tự khẳng định chịu trách nhiệm trước những điều trả lời trước Quốc hội và toàn dân, để sau này không bị cử tri đổi họ đại biểu ra “họ Hứa”.
Do đó, chất vấn và trả lời chất vấn là việc hệ trọng, là trách nhiệm lớn, vừa trực tiếp liên quan đến uy tín của đại biểu quốc hội - vừa phải có trách nhiệm trước Đảng, trước dân, lại phải có “tâm”, có “tầm” để xứng đáng khi đã được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội. Ngồi họp ở nghị trường là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, những bức xúc của nhân dân, xã hội. Vinh dự, trách nhiệm đó do dân cử, dân bầu, dân đặt niềm tin, tuyệt nhiên không thể xem nhẹ. Chưa chuẩn bị kỹ đã hỏi, chưa cân nhắc kỹ đã trả lời, thì vô hình trung là không đầy đủ trách nhiệm. Cho nên, chất vấn và trả lời chất vấn phải rất coi trọng chất lượng và hiệu quả, đáp ứng lòng tin và kỳ vọng của cử tri.
Ý thức được yêu cầu cao là vậy, nhiều đại biểu quốc hội đã có những câu hỏi rất "nóng" và hợp ý dân. Không ít đại biểu khi đi tiếp xúc cử tri đã chú ý nghe dân nói, nói để dân hiểu, và nắm được dân ý, hiểu thực tế để đem ý nguyện của dân đến diễn đàn Quốc hội. Thường là những đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm như vậy luôn có những câu hỏi ngắn gọn, chính xác, đi thẳng vào những vấn đề người dân quan tâm. Cũng đã có những câu trả lời thẳng thắn, chân thành, không tránh né và cũng không cốt "cho xong việc" của các thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, không ít đại biểu đặt câu hỏi không rõ, không mạch lạc. Có câu hỏi lại như diễn giải. Có đại biểu khi chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, nghe Bộ trưởng trả lời xong lại dấn một câu mà lẽ ra không nên phát biểu trên nghị trường: “Nói như ông thì ai cũng làm bộ trưởng được…” (!?).
Nhiều đại biểu khi chất vấn chưa chuẩn bị kỹ, không nắm chắc vấn đề, chưa hiểu rõ nguyên nhân, chưa đủ thông tin và tri thức để hiểu vấn đề, nhưng vẫn hỏi. Ví dụ, có đại biểu hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tại sao vẫn duy trì những lớp học ghép ở miền núi khiến chất lượng dạy và học không đạt tiêu chuẩn. Câu hỏi này không sát với thực tế khi số lượng học sinh ở các lớp học, các cấp học ở miền núi nhiều khi không đủ để mở những lớp riêng, địa hình miền núi và sự phân tán số lượng học sinh ở đó, lại do thiếu thầy cô đứng lớp. Nghe câu này, nhiều cử tri đã có thể trả lời thay cho Bộ trưởng, là nếu phải chọn lựa giữa việc học lớp ghép và không được học, thì lớp ghép vẫn là giải pháp tốt hơn.
Có những đại biểu quốc hội không chú ý lắng nghe, hỏi những câu đã được nghe trả lời, những câu người khác đã hỏi, hoặc nội dung cần chất vấn nhưng không nắm được, nắm không chắc, đặt câu hỏi bị thừa, câu hỏi quá đơn giản, chung chung. Có câu hỏi chưa vì “toàn cục”.
Trong kỳ họp này, sau 2 ngày cử tri cả nước chăm chú theo dõi qua truyền hình trực tiếp những buổi trả lời chất vấn, vẫn có thể thấy còn khá nhiều chỗ chưa ổn, chưa hay, chưa chuẩn và chưa xứng tầm khi chất vấn và trả lời chất vấn. Đây phải chăng cũng là “vấn đề nóng” trong các kỳ họp của Quốc hội? Nên chăng sau mỗi kỳ họp, mỗi đoàn đại biểu quốc hội nên họp rút kinh nghiệm để các phiên chất vấn và trả lời chất vấn chất lượng hơn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân./.
Bùi Văn Bồng
(Nguồn: Tạp chí XDĐ)