Nhận định về tiến độ phục hồi kinh tế nhanh chóng của châu Á, tạp chí Mỹ Tiền tệ và thị trường số ra mới đây cho rằng, các nền kinh tế ở châu lục này đã vượt qua những khó khăn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhờ tiếp tục duy trì được "sự phát triển thần kỳ từ nhiều thập kỷ trước". Tiến sĩ Martin Weiss, nhà phân tích kinh tế, nhấn mạnh các nền kinh tế châu Á không chỉ có động lực tăng trưởng lớn mà còn giữ vững được động lực này suốt nhiều thập kỷ nhờ ba ưu thế. Thứ nhất, các nền kinh tế châu Á không chỉ giảm được nợ mà còn thu hút được nguồn đầu tư lớn. Thứ hai, mặc dù phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các nền kinh tế châu Á vẫn đa dạng được thị trường xuất khẩu tới các nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Thứ ba, thay vì phụ thuộc vào các gói kích cầu của chính phủ, các nền kinh tế châu Á đã thúc đẩy được nhu cầu trong nước với dân số lớn.
Trong năm 2009 và những tuần đầu năm 2010, các thị trường lớn ở châu Á đã hoạt động tốt. Kim ngạch trao đổi trên thị trường chứng khoán (ETF) của Ấn Ðộ tăng 76,7%, Hàn Quốc tăng 69,1%, Trung Quốc tăng 41%. Từ tháng 6-2009 khi các nền kinh tế châu Á bắt đầu phục hồi, ETF của Hàn Quốc tăng 37,4%, gấp hơn hai lần ETF của Ấn Ðộ (18%) và gấp hơn ba lần mức tăng ETF của Trung Quốc (12,4%). Trong tuần đầu của năm 2010, các đồng tiền châu Á, đặc biệt là đồng ru-pi Ấn Ðộ và đồng uôn Hàn Quốc, đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế này. Hai nền kinh tế lớn ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Ðộ được dự đoán có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2010, khoảng từ 7 đến 8%. Thậm chí Trung Quốc còn đang hướng đến mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 9,5% trong năm 2010.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng khẳng định rằng, châu Á đang là khu vực đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Trong báo cáo mới đây, OECD đã nâng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 lên 3,4% (cao hơn so với mức 2,3% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6-2009), sau khi giảm 1,7% trong năm 2009. Tăng trưởng của các nền kinh tế nằm ngoài OECD, đặc biệt là các nền kinh tế ở châu Á như Trung Quốc, có thể xem là động lực duy trì tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo OECD, kinh tế Mỹ sẽ giảm 2,5% trong năm 2009, song sẽ tăng lại 2,5% trong năm 2010 và tiếp tục tăng 2,8% vào năm 2011. Trong khi đó, GDP của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự đoán sẽ tăng 0,9% năm 2010 và tăng 1,7% vào năm 2011, dù sẽ giảm 4% trong năm 2009. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, năm 2009 GDP dự báo giảm 5,3%, song có thể hy vọng đạt mức tăng 1,8% vào năm 2010 và tăng 2% trong năm tiếp theo. OECD cũng dự đoán GDP của 30 nước thành viên thuộc tổ chức này có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2010 và 2,5% trong năm 2011, sau khi giảm 3,5% trong năm 2009.
Mặc dù được coi là động lực chính đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý đối với các nền kinh tế châu Á trong năm 2010. Trong đó, vấn đề trước hết là quy mô lớn của khu vực, với Trung Quốc có dân số 1,3 tỷ người, Ấn Ðộ 1,1 tỷ, Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN) có số dân 570 triệu người. Những thị trường rộng lớn này có thể sẽ trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đó là điểm cần đặc biệt lưu ý trong năm nay. Theo kế hoạch, trong năm 2010, ASEAN sẽ hoàn tất năm hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Australia, New Zealand và Nhật Bản. Các hiệp định này sẽ dỡ bỏ nhiều rào cản thương mại và đẩy nhanh tiến trình đi tới một thị trường hợp nhất với dân số tổng cộng lên tới 3,2 tỷ người. Các hiệp định sẽ xóa bỏ thuế quan, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các công ty kinh doanh ở châu Á. Các công ty sẽ buộc phải thay đổi chiến lược tiếp thị và các kênh thu mua đầu vào nếu họ muốn giữ được ưu thế hay ít nhất là không để bị bỏ lại phía sau.
Trong bối cảnh trên, một số nước châu Á sẽ thu hút ngày càng nhiều công ty đến làm ăn và đầu tư, trong khi một số nước khác có thể sẽ có các nhà máy phải đóng cửa và chuyển sang nơi khác. Các hiệp định thương mại tự do cũng được trông đợi sẽ thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng xuyên qua nhiều nước và nhiều thị trường khác nhau, trong số đó có các dự án phát triển khu vực dọc sông Mê Công, cũng như hành lang đông-tây chạy từ Việt Nam tới Myanmar, và hành lang bắc-nam chạy từ Trung Quốc tới Thái-lan. Các doanh nghiệp và các chính phủ có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ, với hy vọng về một thị trường Ðông Á hợp nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính phủ và doanh nghiệp châu Á vẫn lo ngại các hiệp định trên có thể dẫn tới gia tăng khoảng cách chênh lệch về kinh tế. Tại Trung Quốc, nơi thường được nói tới như công xưởng của thế giới, các cơ sở sản xuất có lượng hàng tồn kho quá cao trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Do vậy, các công ty Trung Quốc đang đặt hy vọng vào châu Á như một thị trường tiêu thụ hàng hóa. Các chuyên gia khuyến cáo rằng trong năm 2010, các nước châu Á cần kiên nhẫn phối hợp các biện pháp để tránh xảy ra trường hợp một nước hay một khu vực nào đó được hưởng lợi từ thiệt hại của các nước khác hay khu vực khác, và tìm ra phương cách để chia sẻ lợi ích và thiệt hại.
(Theo Nhân Dân điện tử)