(TCTG)- Theo một cuộc điều tra công bố mới đây của Cơ quan nhân quyền châu Âu (FRA): người Hồi giáo là nạn nhân của sự phân biệt đối xử ở châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực lao động.
Cuộc điều tra được tiến hành trong 14 nước thành viên EU cho thấy trung bình 1/3 người Hồi giáo được hỏi cho biết đã từng chịu một sự phân biệt đối xử trong 12 tháng qua và 11% là nạn nhân của một vụ án phân biệt chủng tộc. Tỷ lệ phân biệt đối xử cao nhất trong lĩnh vực việc làm. Theo ông Morten Kjaerum, Giám đốc FRA thì đây là vấn đề đáng "quan tâm nhất".
Ông Kjaerum cho biết: "việc làm - yếu tố chính của quá trình hội nhập đóng vai trò giúp người nhập cư hòa nhập với xã hội và một sự phân biệt đối xử có thể làm cản trở quá trình hội nhập".
Cho dù người phỏng vấn là cảnh sát hay một tổ chức phi chính phủ, 79% người Hồi giáo đều tuyên bố mình không phải là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử hay các vụ án phân biệt chủng tộc. Một cách trả lời mà FRA cho rằng do họ "không tin tưởng vào chính quyền nhà nước".
59% người Hồi giáo được hỏi cho biết "trả lời có các vụ tranh chấp sẽ không có tác dụng hoặc không thay đổi gì cả" và 38% trong số họ nói rằng "các vụ tranh chấp xảy ra thường xuyên" và "họ không cố gắng tuyên bố điều này".
Đặc biệt, những thanh niên Hồi giáo được hỏi xác định rằng họ ít tin tưởng vào cảnh sát. Những người không sẵn sàng thông báo các trường hợp phân biệt đối xử là những người không có quyền công dân của nước đó và họ mới sống ở đây trong khoảng thời gian ngắn.
Trung bình 1/4 những người Hồi giáo được hỏi (25%) khẳng định đã bị cảnh sát kiểm tra trong 12 tháng qua. Trong số họ, 40% cho biết họ đã bị kiểm tra đựa trên đặc điểm hình dáng dân tộc mình.
Cũng vậy, phần lớn những người Hồi giáo được hỏi giải thích rằng đã từng chịu một sự phân biệt đối xử trong 12 tháng qua và coi nguồn gốc dân tộc họ là lý do chính của sự phân biệt đối xử. Chỉ có 10% cho rằng sự phân biệt đối xử chỉ là do sự khác biệt về tôn giáo. Trong một bản thông cáo, FRA cho biết: "mặc một bộ quần áo truyền thống hay tôn giáo (ví dụ: khăn trùm mặt) sẽ không tăng thêm khả năng bị phân biệt đối xử".
Morten Kjaerum nhấn mạnh: "chính quyền có trách nhiệm hỗ trợ quá trình hội nhập, điều này bao gồm việc thông báo quyền công dân cho họ". Ông cũng cho biết "các cơ chế dễ dàng là rất cần thiết, nó cho phép các nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc có quyền tuyên bố một cách tự tin".
FRA cũng đã mời các quan chức chính quyền châu Âu giải thích cho mọi người "các cách khiếu nại", "ghi lại những vụ phân biệt chủng tộc và các hành động phân biệt đối xử và cho phép các biện pháp khác" để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập.
Bản báo cáo do FRA công bố, được tiến hành trong khung cảnh của cuộc điều tra đầu tiên trên quy mô toàn châu Âu về sự phân biệt đối xử và các vụ án phân biệt chủng tộc mà nạn nhân là những người nhập cư và người dân tộc thiểu số.
Cuộc điều tra có ý nghĩa này do Viện thăm dò dư luận Gallup thực hiện cho FRA năm 2008: Có 23.500 người dân tộc thiểu số hoặc nhập cư được hỏi. Bản báo cáo về người Hồi giáo được tiến hành trong 14 nước EU (Áo, Bỉ, Bungari, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Italia, Lúcxămbua, Manta, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hà Lan); 24% người Hồi giáo được hỏi sinh ra tại các nước châu Âu hay sống ở đây và 52% trong số họ từng sống ở châu Âu được hơn 10 năm.
Đông Hưng (Theo AP)