Châu Âu sẽ triển khai chiến lược nào đối với Nga vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh EU – Nga vừa diễn ra tại Khabarovsk ? Từ năm 1990, vấn đề này lại được đặt ra trong bối cảnh căng thẳng lại bùng lên do hậu quả của cuộc chiến tại Grudia vào tháng 8/2008 và việc gián đoạn cung cấp khí đốt qua Ucraina vào tháng 1/2009.
“Chiến lược an ninh mới” của Nga
Được Tổng thống Dmitri Medvedev bật đèn xanh từ ngày 12/5/2009, một “chiến lược an ninh quốc gia mới” sẽ thay thế chiến lược năm 2000. Nó cho phép nêu rõ “cuộc chiến nguồn tài nguyên” năng lượng, được xác định như “tiềm năng” mà Nga có thể “củng cố ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế”. Chiến lược mới cho biết trong “cuộc chiến cạnh tranh này”, việc sử dụng “sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề nổi lên không loại trừ” và “việc mất cân bằng lực lượng hiện nay gần biên giới Liên bang Nga và gần các đồng minh của Nga có thể bị vi phạm”.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia nhấn mạnh châu Âu gặp khó khăn trong việc đưa ra một chiến lược nhằm quản lý tức thời khủng hoảng. Nga, nước từ nhiều năm nay luôn chỉ trích các hoạt động của NATO tại Khối Xô viết cũ, đã sẵn sàng chuyển sang EU như một thực thể thù nghịch. Xu hướng này đã được kết tinh ngay từ khi chương trình “Đối tác Phương Đông” của EU được đưa ra ngày 07/5/2009 đối với 6 nước cộng hòa thuộc Khối Xô viết cũ.
Nga dự định tăng cường quân át chủ bài chính, các nguồn tài nguyên năng lượng, tiêu điểm để tấn công EU. Từ năm 2000, chiến lược nắm quyền của Putin trước tiên đã đặt lĩnh vực năng lượng dưới quyền kiểm soát của nhà nước (vụ Mikhail Khodorkovski). Sau đó là bước mới nổi lên trong chính sách đối ngoại, đó là đảm bảo an toàn các đường ống vận chuyển năng lượng về phía châu Âu.
“Chiến lược an ninh quốc gia mới” của Nga được công bố hôm 12/5/2009, nhấn mạnh “cuộc chiến năng lượng thiên nhiên” trên bình diện địa chính trị. Chiến lược xác định trong số các khu vực nhạy cảm “Biển Cátxpi” mà từ đó châu Âu đang cố gắng xây dựng các tuyến đường vận chuyển khí đốt khác, trong đó một đường ống sẽ nối khu vực này qua Ucraina và biển Đen.
Ngay trước hội nghị thượng đỉnh tại Khabarovsk, trợ lý Tổng thống Nga Serguei Prikhodko đã nhắc trước các nhà báo “mối đe dọa thường trực” về việc ngừng cung cấp khí đốt mới nếu EU không chấp nhận tài trợ cho Ucraina để trả một phần nợ khí đốt cho Nga.
Tại vùng Cápcadơ, Nga đã tiến hành cuộc chiến vào tháng 8/2008 và kết luận rằng Nga có quyền hành động trong khu vực mà Nga gọi là “Vùng đặc quyền”. Ngay tháng 10/2008, sau khi gián đoạn một vài tuần, EU đã phải nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định đối tác với Nga.
Khả năng châu Âu gây sức ép lên Nga là rất yếu. Những nỗi lo lớn về an ninh của lục địa trước tiên phụ thuộc vào việc định nghĩa lại quan hệ Nga – Mỹ. Hôm thứ 4 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố như vậy. Ông đã nói, mục đích của việc giải giáp vũ khí mà Washington đề xuất là “không thể đạt được” khi không lưu ý đến “vấn đề các vũ khí thông thường”, trong khi trích dẫn việc xét lại Hiệp ước giảm thiểu lực lượng quân sự tại châu Âu (FCE) sẽ giải quyết việc đồn trú của các nhóm quân ở phía Đông châu Âu.
Tổng thống Obama đã đặt ra một vài mục tiêu ưu tiên của ông. Tổng thống đã không thừa nhận với các nhà lãnh đạo Nga một khái niệm về “phạm vi ảnh hưởng”. Hôm 07/4/2009, trong một bài diễn văn tại Praha, Séc, ông tuyên bố rằng NATO cần phải có “các kế hoạch khẩn cấp để đối phó với những mối đe dọa mới”. Thông điệp này nhằm trấn an các nước châu Âu, khi họ nhận thấy rằng nước Nga là một mối đe dọa. Đức và các nước châu Âu khác sẽ phản đối các kế hoạch khẩn cấp này, coi đó là một sự gây hấn không cần thiết đối với Nga. Các nước châu Âu khác coi đó là những rủi ro khác nhau. Một số nước hy vọng các tham vọng của Nga sẽ bị xói mòn vì cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngay cả khi các thỏa thuận của EU trong chương trình Đối tác Phương Đông (tạo thuận lợi về thị thực nhập cảnh, triển vọng tự do mậu dịch) được các nước chào đón cũng sẽ bị các biện pháp do Nga áp dụng làm chệch hướng trong chiến lược xét lại trật tự sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. EU đã không phát triển được các kế hoạch an ninh trong khu vực chiến lược tại biển Đen, nơi mà EU đã tiến sát đến từ lần mở rộng mới nhất năm 2007. Một trục gây mất ổn định chính trị xuất hiện từ Ucraina đến Grudia, nơi có các đường ống dẫn năng lượng lớn. Chúng ta cũng đừng quên Mônđôva, nơi luôn tiền ẩn xung đột ly khai từ vùng Transnistrie.
Một nhà ngoại giao Tây Âu bình luận: “Nước Nga gửi tới chúng ta bức thông điệp là nếu châu Âu muốn các nước láng giềng của mình ổn định thì phải ngừng đảo lộn công việc của các nước đó”./.
Quỳnh Phụ (Theo AP)