Thứ Ba, 19/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 27/5/2009 18:22'(GMT+7)

Triều Tiên rút khỏi hiệp định đình chiến, cảnh báo đáp trả quân sự

Làng đình chiến Pamunjom

Làng đình chiến Pamunjom

Các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên dẫn một tuyên bố quân sự cho biết, Triều Tiên không còn đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền  của Mỹ và Hàn Quốc hoạt động ngoài khơi phía tây của nước này nữa.

Giới truyền thông chính thức của Triều Tiên cũng khẳng định lập trường của Bình Nhưỡng rằng, việc Seoul tham gia vào Sáng kiến Phòng ngừa Phổ biến vũ khí huỷ diệt (PSI) do Mỹ khởi xướng được xem như một lời tuyên chiến.

Hôm 26/5, Hàn Quốc tuyên bố, nước này sẽ trở thành thành viên đầy đủ của PSI nhằm ngăn chặn việc buôn bán và vận chuyển vũ khí huỷ diệt hàng loạt, ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố đã thử hạt nhân một ngày trước đó (hôm 25/5).

“Bất kỳ hành động thù địch nào dù là nhỏ nhất với Triều Tiên, trong đó có việc ngăn chặn và lục soát các tàu thuyền hoà bình của chúng tôi…sẽ đều phải đối mặt với một cuộc tấn công quân sự mạnh mẽ ngay lập tức. Quân đội của chúng tôi không còn ràng buộc với hiệp định đình chiến nữa bởi giới lãnh đạo Mỹ hiện thời đã lôi kéo những con rối (Hàn Quốc) vào PSI”, tuyên bố có đoạn viết.

PSI do cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khởi xướng năm 2003 và hiện có hơn 90 nước tham gia. Mục đích của PSI là nhằm kêu gọi các nước phong tỏa, ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí hủy diệt. PSI cho phép kiểm tra các tàu thuyền bị nghi ngờ chở vũ khí hủy diệt hàng loạt và giám sát các động thái của Triều Tiên, Iran và Syria.  

Cũng theo tuyên bố trên, nếu hiệp đình đình chiến không còn ràng buộc, “bán đảo Triều Tiên sẽ trở lại tình trạng chiến tranh. Điều đó có nghĩa là binh lính Triều Tiên sẽ đưa ra hành động quân sự tương ứng. Những ai khiêu khích chúng tôi sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt không thương tiếc mà khó có thể tưởng tượng được”.

Cũng theo tuyên bố trên: “Chính đế quốc Mỹ và đế chế phản bội Lee Myung-bak đã đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng chiến tranh”.

Về kĩ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi lẽ cuộc xung đột kéo dài 3 năm và kết thúc năm 1953 chỉ với một hiệp định đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình. Được biết, binh lính Mỹ đã được triển khai tại Hàn Quốc kể từ cuộc chiến tranh 1950-53, và hiện 28.500 lính Mỹ đang có mặt tại đây.

   VITINFO
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất