Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 19/11/2009 20:51'(GMT+7)

Chép phạt

Ở bất kỳ giai đoạn nào của xã hội, người thầy đều luôn cần phải có tấm lòng khoan dung độ lượng (Ảnh minh họa).

Ở bất kỳ giai đoạn nào của xã hội, người thầy đều luôn cần phải có tấm lòng khoan dung độ lượng (Ảnh minh họa).

Nhiều năm đứng trên bục giảng nên tôi có may mắn được làm việc với nhiều đồng nghiệp ở các trường khác nhau. Qua mỗi lần tiếp xúc, trao đổi đều cho tôi những kinh nghiệm và nhiều điều suy ngẫm từ phương pháp giáo dục học sinh của mỗi thầy cô. Trong đó, có nhiều “biện pháp” khiến tôi phải trăn trở, day dứt!

Một lần đến dự giờ trường nọ, hết tiết 5 vẫn thấy mấy học sinh ở lại lớp, lúi húi viết gì đó trên giấy. Tôi nghĩ chắc các em thảo luận nhóm hoặc chuẩn bị bài cho ngày mai và tôi có ý định tìm hiểu xem nội dung đó là gì. Nhưng không phải như tôi nghĩ, mà là các em ở lại để… chép phạt! Tôi thấy có em ghi tới 3 tờ giấy với cùng một nội dung dòng chữ: “Lần sau em không nói chuyện trong giờ học nữa”. Có em lại viết đến lần thứ 50 nội dung thầy cô cho ghi về chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Em thứ nhất giải thích: Vì em tranh luận với bạn trong giờ học, cô giáo nghĩ em mất trật tự và đã phạt em viết 100 lần “Lần sau em không nói chuyện trong giờ học nữa”. Em thứ hai “khai báo” thật thà hơn: tối qua hàng xóm nhà em có đám tang, em không thể ôn lại bài lịch sử. Sáng nay thầy giáo gọi lên bảng em không thuộc. Thế là thầy bắt chép phạt 50 lần phần nội dung đó. Tôi hỏi: Em đã bị thầy phạt mấy lần rồi? Đáp: Em thì đây là lần đầu tiên, nhưng có bạn ở lớp em thì bị “chép phạt” nhiều lắm. Thầy cô giáo không cần hỏi lý do, cứ vi phạm là chép phạt. Lần đầu 10 lần, lần sau 20 lần... Chúng em phải “bò” ra mà chép, không học được các môn khác, thế là lại… chép phạt.

Tôi thực sự buồn và cảm thấy nặng nề khi có em học sinh tâm sự: Tại sao các thầy cô không nghĩ hình thức khác mà lại bắt chúng em như vậy. Chép nhiều, em chỉ nhớ đoạn đó, còn các bài học tiếp theo do không có thời gian ôn nên lại tiếp tục… nợ và chép phạt. Có thầy cô không bắt phạt chép thì lại yêu cầu chúng em dọn nhà vệ sinh khiến chúng em rất xấu hổ với các bạn cùng lớp…

Qua việc tiếp xúc với học sinh một số trường, tôi thấy hình thức “phạt” này được nhiều giáo viên áp dụng. Là một nhà giáo, nhiều năm đứng lớp và cũng đã phải có những biện pháp kỷ luật-giáo dục nghiêm khắc với học trò, nhưng tôi không bao giờ đồng tình với những cách “phạt” nêu trên. Tôi đã nhiều lần trao đổi cùng đồng nghiệp với mong muốn cần phải chấn chỉnh, thay đổi “phương pháp giáo dục” đó, đừng để lan ra thành “dịch”.

Thời học sinh, vì những lý do khách quan, tôi cũng đã có lần không thuộc bài. Lúc đó tôi đã chủ động gặp riêng thầy giáo và xin “nợ”. Tất nhiên sau đó tôi phải chủ động “trả”. Lúc đó tôi biết ơn thầy vô cùng và càng chăm chú nghe giảng hơn để nắm bài tại lớp. Khi đã là một giáo viên, tôi cũng gặp những học sinh không thuộc bài. Tất nhiên em nào cũng có những lý do “chính đáng”. Lần thứ nhất tôi đều cho “nợ”, nhưng sau tiết học, tôi đều dành thời gian tìm hiểu tình hình qua giáo viên chủ nhiệm và với học sinh lớp đó. Em nào thành “truyền thồng nợ” ở nhiều môn, tôi sẽ tìm cách gặp và trao đổi riêng. Có rất nhiều lý do: Có em nói “Thầy giảng khó hiểu nên em không nắm được”; Có em lại “cố tình” không thuộc để “anh hùng” trước bạn bè, lấy “oai”...

Nhớ lại buổi lên lớp đầu tiên trong đời dạy học, tôi dạy thay một đồng nghiệp bị ốm một tiết địa lý. Tôi cố gắng truyền thụ theo nội dung SGK và yên tâm hoàn thành “sứ mạng” đồng nghiệp nhờ cậy. Buổi tối tôi đang soạn bài thì thấy có 2 em học sinh mang đèn dầu đứng thập thò ở cửa. Hóa ra các em đến nhờ tôi giảng lại cho nghe một số điều trong bài Địa lý mà chưa hiểu. Tôi thật sự xúc động và khất các em đến mai. Sau đó tôi tức tốc nhờ một đồng nghiệp khác học sư phạm địa “bổ túc” kịp thời để ngày mai đáp ứng yêu cầu của học trò. Vừa tìm hiểu tôi vừa cố gắng thu hút học sinh bằng phương pháp giảng dạy, tìm tòi cách giảng sao cho hấp dẫn học sinh. Nhưng cũng rất nghiêm khắc với những em nào cố tình “nợ” (tôi cho điểm chính thức cho dù đó là điểm 1 - 2 mà không cần chạy theo thành tích, chỉ tiêu). Vì vậy hiện tượng không thuộc bài hoặc nói chuyện trong giờ tôi dạy đã giảm hẳn…

Sẽ có rất nhiều cách để kiểm tra việc tiếp thu bài cuả học sinh, không cứ phải lên bảng trả lời theo phương pháp truyền thống (vì như vậy các em rất dễ trở thành “vẹt”). Các cụ ta ngày xưa cũng có những hình thức phạt học trò bằng roi mây, quỳ gai mít (nhưng là với những học trò vô lễ thật sự hoặc cố tình cậy thế cha làm quan) để giúp chúng nên người. Còn chúng ta ngày nay, với phong trào xây dựng “trường học thân thiện”, thiết nghĩ việc phạt học sinh cũng phải có văn hoá, không nên sử dụng những hình thức mang nặng tính sỉ nhục, làm mất thể diện học trò trước mặt các bạn. Càng không nên nghĩ được việc cho môn học của mình (mà chắc gì đã được) mà làm ảnh hưởng đến thời gian ôn luyện các môn học khác. Cần tận dụng tối đa phương tiện đồ dùng dạy học hiện có, đầu tư tâm sức vào bài giảng để lôi cuốn học sinh…

Và trên hết, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của xã hội, người thầy đều luôn cần phải có tấm lòng khoan dung độ lượng với các các em. Nếu học sinh nào quá cá biệt và “cứng đầu cứng cổ”, người thầy cần phải biết cách phát huy hiệu quả trong việc kết hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục “nhà trường, gia đình và xã hội” để cùng giáo dục…

Tôi luôn suy nghĩ, trăn trở rằng: Việc học sinh không hiểu bài hoặc chưa ngoan liệu có một phần nguyên nhân nào từ phương pháp giáo dục của mỗi thầy cô giáo không? Có nên đổ lỗi hết cho cơ chế thị trường và bối cảnh xã hội? Một người thầy tốt không chỉ cần kiến thức rộng mà còn biết kết hợp “dạy” và “dỗ” học sinh nữa. Việc giáo dục học sinh sẽ thực sự có hiệu quả nếu mỗi thầy, cô biết kết hợp những phương pháp nêu trên, đồng thời làm gương trong tư cách đạo đức cũng như ứng xử sư phạm chuẩn mực.

Xây dựng trường học thân thiện trước hết phải tạo được mối thân thiện giữa thầy và trò, mà ở đó “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.”/.

Nhà giáo Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất