Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 khối đại học (14/11), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đánh giá hệ thống giáo dục đại học trong thời gian qua- tuy phát triển về quy mô nhưng chất lượng không đồng bộ, và đó là điều không thể tiếp tục trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm học 2009 – 2010 là mốc khởi đầu cho ba năm thực hiện đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học. Để triển khai chủ trương này, Bộ GD&ĐT đưa ra 10 giải pháp, trong đó có một số giải pháp được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong thời gian qua như kiểm tra thực hiện ba công khai, kết quả kiểm tra liên quan tới chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 và các năm sau; đổi mới quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh (kiểm tra thực tế trước khi cho mở ngành thay vì kiểm tra qua hồ sơ như trước đây);
Sinh viên tham gia đánh giá giảng viên, cơ sở đào tạo tham gia đánh giá chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước cấp cao; trả lương theo hiệu quả công việc; phân cấp quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị đào tạo cho UBND tỉnh/ thành; xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành trong các cơ sở đào tạo.v.v...
Trong hội nghị, đại diện một số trường đại học chia sẻ kinh nghiệm thực hiện một số giải pháp mà đơn vị mình được Bộ GD&ĐT cho phép thực hiện thí điểm trong thời gian qua.
Nhà nước giám sát chất lượng trường đại học là để bảo vệ lợi ích cho người học chứ không phải hạn chế sự chủ động của trường đại học. - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận. |
Theo PGS TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, một khó khăn phổ biến mà nhiều trường sẽ vấp phải khi đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên quá thấp. “Theo kết quả kiểm tra phân loại đầu năm học của trường chúng tôi, chỉ 10 phần trăm sinh viên có thể theo học theo thời lượng đã được công bố để đáp ứng chuẩn đầu ra” – Ông Cần nói.
Quyền tự chủ của các trường đại học là điều được nhiều đại biểu quan tâm. TS Lê Đình Viên, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, nhận xét, trong quản lý hệ thống giáo dục đại học hiện vẫn nặng cơ chế xin cho.
“Nên trao hẳn quyền tự chủ cho các trường và trao quyền giám sát cho xã hội. Bộ GD&ĐT tập trung quản lý các chỉ tiêu có tính chất vĩ mô. Còn các vấn đề cụ thể của từng trường, nếu do Bộ không quản lý nổi mà trao về cho UBND tỉnh/thành thì e rằng UBND tỉnh/thành cũng không quản nổi”, TS Lê Đình Viên nói.
“Nên nghiên cứu để tất cả sinh viên phải trả chi phí đào tạo (nhà nước hỗ trợ bằng các chương trình tín dụng sinh viên). Chỉ một tỉ lệ nhỏ sinh viên thuộc thành phần tinh hoa thì được nhà nước cấp học bổng”, TS Lê Đình Viên đặt vấn đề.
Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH không có nghĩa là các trường muốn làm gì thì làm và để mặc cho thị trường điều tiết. Giáo dục là một dịch vụ đặc biệt có điều kiện. Nếu một trường đại học kém chất lượng thì dân phải chịu hậu quả.
Quý Hiên - TienPhongOnline